Năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương
Cùng tham dự hội nghị có ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban đối ngoại Trung ương; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, các bộ ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp, doanh doanh, các nhà tư trong nước và quốc tế.
Lãnh đạo Trung ương tham dự Hội nghị. |
Tại hội nghị, Thừa Thiên Huế công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Về các định hướng, ưu tiên phát triển, quy hoạch xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 3 động lực tăng trưởng, 5 khâu đột phá phát triển.
3 trung tâm đô thị, gồm: (1) Đô thị trung tâm (gồm thành phố Huế, quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà), (2) Đô thị vùng Tây Bắc (gồm thị xã Phong Điền-Quảng Điền-A Lưới), (3) Đô thị vùng Đông Nam (gồm các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông).
3 hành lang kinh tế, gồm: (1) Hành lang kinh tế Bắc-Nam, (2) Hành lang kinh tế Đông-Tây, (3) Hành lang kinh tế đô thị hướng biển.
3 động lực tăng trưởng, gồm: (1) Thành phố Huế, (2) Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, (3) Khu công nghiệp Phong Điền.
5 khâu đột phá phát triển là: (1) Phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh; (2) Hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng viễn thông, (3) Phát triển kinh tế biển, đầm phá, hệ thống cảng biển nước sâu; (4) Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng; (5) Thúc đẩy dịch vụ - du lịch, công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản Cố đô Huế.
Thủ tướng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho lãnh đạo tỉnh. |
Thủ tướng biểu dương Quy hoạch Thừa Thiên Huế
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tóm tắt Quy hoạch Thừa Thiên Huế trong 13 chữ: Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh" khi triển khai các quy hoạch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
"Một trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, ứng phó biến đổi khí hậu.
"Hai tăng cường", gồm: (1) Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); (2) Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối văn hóa và du lịch, kết nối giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hóa thị trường.
"Ba đẩy mạnh", gồm: (1) Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, văn hóa, y tế, giáo dục, xã hội...); (2) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất-cung ứng cho khu vực, thế giới; nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; (3) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, văn bản nghiên cứu cho các dự án. (Ảnh: Đ.H) |
Kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc phát triển Thừa Thiên Huế toàn diện theo định hướng "bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững" là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản.