Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn và hợp tác GD-ĐT

GD&TĐ - Sáng 8/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam-Australia.

Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam - Australia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam - Australia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sáng 8/3, tại thủ đô Canberra, trong chương trình chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Đại học Quốc gia Australia, tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam-Australia được tổ chức tại đây.

Diễn đàn được tổ chức tại Đại học Quốc gia Australia, do Bộ GD&ĐT Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục Australia, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Australia tổ chức.

Cùng tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục Australia Anthony Chisholm, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương của Việt Nam và hơn 30 cơ sở giáo dục đại học Australia và Việt Nam.

Hợp tác "từ trái tim đến trái tim"

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng, lời cảm ơn tới những người phụ nữ nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) và nhấn mạnh tầm quan trọng của bình đẳng giới, đấu tranh cho bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em.

Nhắc đến tiểu thuyết nổi tiếng "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" của nữ nhà văn người Australia Colleen McCullough, Thủ tướng cho rằng, tác phẩm này cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của người phụ nữ, đấu tranh cho sự tự do của trái tim, khẳng định tình cảm từ trái tim đến trái tim thì không gì ngăn cản được. Quan hệ Việt Nam - Australia cũng là từ trái tim tới trái tim.

Trong phát biểu, Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục Australia tổ chức Diễn đàn quan trọng, rất có ý nghĩa này tại Australia, là quốc gia có nền giáo dục hiện đại và chất lượng bậc nhất ở khu vực, và tại Đại học Quốc gia Australia - một đại học hàng đầu thế giới với 6 cựu sinh viên, giảng viên từng đoạt giải Nobel.

Diễn đàn là cơ hội quý để kết nối các cơ sở giáo dục, nhà đầu tư hai bên cùng thảo luận, tìm hiểu và chia sẻ cơ hội hợp tác và đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy, làm sâu sắc hơn hợp tác hai nước trên lĩnh vực giáo dục.

Thủ tướng cho biết: Tại hội đàm ngày 7/3, hai Thủ tướng Việt Nam và Australia đã công bố hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên thống nhất khẳng định, hợp tác giáo dục luôn là điểm sáng với nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật.

Australia là một trong những lựa chọn phổ biến hàng đầu của du học sinh Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có hơn 32.000 người học tập tại Australia, đứng thứ 6 trong số các nước có du học sinh tại đây. Nhiều du học sinh từng học tập tại Australia đã và đang đóng góp tích cực cho đất nước và thúc đẩy quan hệ song phương, nhiều người có vị trí lãnh đạo quan trọng trong các bộ, các cơ quan trọng yếu của Việt Nam.

"Chúng tôi luôn khuyến khích các em tới đây học tập, nghiên cứu, tạo cơ hội để các em có cuộc sống tốt hơn. Làm việc ở Australia, ở Việt Nam hay ở nơi nào đó, nhưng luôn nghĩ tới, tri ân và đóng góp cho nơi mình sinh ra, nơi mình được đào tạo thì đều quý giá", Thủ tướng chia sẻ.

Nhận định hợp tác giữa các cơ sở giáo dục ngày càng mở rộng, hiệu quả, Thủ tướng nhắc đến việc có 37 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học hai nước; đặc biệt đã thành lập Trung tâm Việt Nam - Australia tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; một số đại học Australia đã mở cơ sở tại Việt Nam; Viện Chính sách Australia-Việt Nam vừa được thành lập tại Đại học RMIT.

Thủ tướng hoan nghênh, ghi nhận, đánh giá cao nhiều trường đại học Australia đã thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên, nhà khoa học, nghiên cứu sinh với các cơ sở giáo dục của Việt Nam. Thủ tướng đồng thời đặc biệt cảm ơn phía Australia đã giúp đỡ đào tạo tiếng Anh, đào tạo cán bộ trong giai đoạn Việt Nam bị bao vây, cấm vận, theo đúng tinh thần "từ trái tim tới trái tim".

Thủ tướng khẳng định Việt Nam chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Việt Nam đã hình thành, phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo toàn diện

Khẳng định Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng cho biết: Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới dựa trên 3 yếu tố nền tảng: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, nguyên tắc xuyên suốt là: Lấy con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển.

Việt Nam coi giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược; phát triển con người gắn với văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa soi đường cho quốc dân đi…

Cho biết Giáo dục - đào tạo Việt Nam đã đạt được thành tựu bước đầu, Thủ tướng minh chứng bằng một số thông tin: Việt Nam đã hình thành, phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo toàn diện, gồm mầm non, tiểu học, phổ thông, đại học; trong đó có 244 trường đại học với hơn 2,1 triệu sinh viên đang theo học. Chất lượng giáo dục - đào tạo và chất lượng nhân lực ngày càng được cải thiện. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế của OECD xếp hạng Việt Nam ở thứ 34/81 quốc gia và đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore.

Học sinh Việt Nam luôn đạt kết quả cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. Trình độ tiếng Anh được cải thiện rõ rệt. Hiện có 6 trường đại học Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng các trường tốt nhất thế giới. Chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc hàng đầu trong nhóm các nước đang phát triển.

Nhu cầu nguồn nhân lực cơ bản được đáp ứng, trong đó có các ngành đòi hỏi nhân lực chất lượng cao như y tế, giáo dục, chế biến, chế tạo, tài chính, ngân hàng, logistics và các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhân lực chất lượng cao cho các ngành mới nổi, yêu cầu công nghệ cao; cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý, tỉ lệ nhân lực chất lượng cao trong các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ còn chưa nhiều.

Nguyên nhân là do một số cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; chưa có chính sách đột phá thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân tài; hội nhập, hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo còn hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng, yêu cầu.

Chia sẻ một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, trong đó, nguồn lực bên trong gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử, con người là yếu tố quyết định.

Cùng với đó, phải theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, xu thế thời đại để phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp về giáo dục - đào tạo; xây dựng cơ chế, chính sách và đánh giá đúng vai trò của giáo dục - đào tạo trong mỗi giai đoạn với cách làm phù hợp.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Yêu cầu hội nhập, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam còn khiêm tốn, còn nhiều dư địa, tiềm năng. Đến nay mới chỉ có 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài; trong đó RMIT Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên và cũng là phân hiệu duy nhất của một trường đại học của Australia tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chứng kiến các cơ sở giáo dục đại học hai nước ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chứng kiến các cơ sở giáo dục đại học hai nước ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác.

Tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn và hợp tác GD-ĐT thiết thực, hiệu quả

Về định hướng hợp tác trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giáo dục đại học, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu của nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phát huy hơn nữa vai trò hợp tác giáo dục đại học, khoa học công nghệ, gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo là một trong những trụ cột quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

“Chúng ta đã cố gắng, nỗ lực, có nhiều biện pháp, nhưng tới đây chúng ta phải cố gắng nhiều hơn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn trong hợp tác giáo dục – đào tạo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Việt Nam cam kết bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các cơ sở giáo dục nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài, với phương châm các bên cùng có lợi, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế; có cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, phù hợp, khả thi để tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đại học. Mục tiêu là tạo thuận lợi tối đa cho các cơ sở giáo dục - đào tạo, nhất là các trường đại học uy tín hàng đầu mở rộng hợp tác, đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Nhân dịp này, Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ GD&ĐT hai nước đã thành lập Nhóm công tác chung nhằm hỗ trợ các đại học của Australia thành lập phân hiệu ở Việt Nam; yêu cầu Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng liên quan phía Việt Nam phối hợp chặt chẽ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hợp tác với các đối tác nói chung và với Australia nói riêng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục Australia Anthony Chisholm; lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam; hơn 30 cơ sở giáo dục đại học Australia, Việt Nam tham dự diễn đàn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục Australia Anthony Chisholm; lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam; hơn 30 cơ sở giáo dục đại học Australia, Việt Nam tham dự diễn đàn.

Một số định hướng hợp tác thời gian tới

Nhấn mạnh quan điểm "nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô giáo là động lực", Thủ tướng nêu một số định hướng hợp tác thời gian tới.

Thứ nhất, tăng số lượng và nâng cao chất lượng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đào tạo, đại học của hai nước, trong đó chú trọng hơn đến nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ.

Trong đó, lưu ý các hình thức hợp tác đào tạo tại chỗ, tại Australia, đào tạo ngắn hạn, đào tạo dài hạn, kết hợp linh hoạt đào tạo trực tuyến và trực tiếp; đào tạo cho sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên, đầu tư phát triển phân hiệu, liên kết; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, phòng thí nghiệm ngang tầm; đổi mới chương trình, nội dung, thi cử, kiểm định theo hướng chú trọng kiểm soát đầu ra hơn đầu vào; thúc đẩy hợp tác trong đào tạo tiếng Việt ở nước ngoài, hỗ trợ tài liệu, giáo viên trong dạy và học tiếng Việt, nghiên cứu việc có quỹ phát triển tiếng Việt.

Lựa chọn lĩnh vực đào tạo có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là các ngành then chốt như phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, hydrogen... Chú trọng hơn hợp tác nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ và cao hơn nữa.

Thứ hai, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (kể cả của Chính phủ, các cơ sở giáo dục đào tạo, đại học, các quỹ đầu tư…) để tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, phù hợp với thế mạnh và quan tâm của Australia và nhu cầu đào tạo của Việt Nam.

Thứ ba, tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên và đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học của hai nước.

Thứ tư, cung cấp học bổng nhiều hơn, tập trung cho những lĩnh vực quan trọng nêu trên, đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính sách visa, bảo đảm điều kiện sống, sinh hoạt, an ninh an toàn; đề nghị phía Australia tăng gấp đôi số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam trong 2-3 năm tới.

Thứ năm, đề nghị các cơ sở giáo dục đào tạo, các đại học đã có thỏa thuận tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các dự án hợp tác, đầu tư cụ thể tại Việt Nam và tiếp tục trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác và sớm cùng nhau triển khai, trong đó có khuyến khích hình thức đại học phi lợi nhuận để tập trung nguồn lực, tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, Diễn đàn Hợp tác giáo dục đại học Việt Nam - Australia sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự hợp tác giáo dục giữa hai bên tiếp tục phát triển khởi sắc, bền vững, lâu dài, tiếp tục là điểm sáng của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vừa được thiết lập giữa Việt Nam và Australia.

Thủ tướng cũng mong muốn, trong tương lai sẽ được chứng kiến các dự án ngang tầm khu vực, mang tính biểu tượng trong hợp tác giáo dục đại học Việt Nam - Australia, xứng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước và truyền thống lịch sử của hai nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ