Thủ tướng Phạm Minh Chính: Muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phải có giáo dục đổi mới sáng tạo

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này trong phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV diễn ra chiều 26/3, tại Vĩnh Phúc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phong trào đổi mới, sáng tạo

Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội. Các quốc gia, doanh nghiệp và từng cá nhân muốn phát triển phải không ngừng đổi mới, sáng tạo.

Chia sẻ điều này, theo Thủ tướng, tinh thần khởi nghiệp, chủ động tiếp cận với những thay đổi chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra trở thành xu thế chung của các quốc gia hiện nay. Trên thế giới đã có những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả về quốc gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với những “không gian startup”, “vườn ươm khởi nghiệp”, các quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng.

Ở nước ta, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phong trào đổi mới, sáng tạo; có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp. Đặc biệt là Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và các Đề án 844, 939, 1665 của Chính phủ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, hỗ trợ phụ nữ, sinh viên khởi nghiệp. Các bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương đều có chương trình, đề án riêng nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo thành phần tham gia, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 100%  cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia Đông Á đầu tư cho đổi mới sáng tạo, có số lượng bằng sáng chế bằng hoặc cao hơn kỳ vọng trước đây.

Tuy nhiên, Việt Nam là nước có xuất phát điểm chậm hơn về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn có khoảng cách so với nhiều nước trên thế giới; cơ chế chính sách còn một số bất cập. Quan điểm chấp nhận rủi ro và vốn đầu tư cho khởi nghiệp còn hạn chế. Số lượng, chất lượng các dự án, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.

Tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả cấp, các ngành, người dân, ngay cả trong thế hệ trẻ. Sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp còn hạn chế. Giáo dục đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng, sáng tạo, khát vọng, tầm nhìn, chưa chú trọng phát huy năng lực đặc thù của từng học sinh, sinh viên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và các đại biểu thăm các gian trưng bày tại Ngày hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và các đại biểu thăm các gian trưng bày tại Ngày hội.

Môi trường quan trọng để kết nối “3 nhà”

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ nêu trong Văn kiện Đại hội XIII, đó là: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

“Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...”

Với vai trò là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, có vai trò quan trọng trong việc hiệu triệu, định hướng, dẫn dắt thanh niên, Thủ tướng yêu cầu Trung ương Đoàn cần lan toả tinh thần đổi mới sáng tạo và tạo môi trường lý tưởng cho học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên tham gia khởi nghiệp. Đoàn phải là nơi phát hiện, nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Cũng theo Thủ tướng, Đề án 1665 và Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo; giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực, vượt qua thất bại để thành công; là môi trường quan trọng để kết nối “3 nhà”: nhà nước - nhà trường - nhà đầu tư. Đề án đã giúp ươm mầm nhiều dự án khởi nghiệp, hiện thực hóa đam mê, khát vọng của nhiều bạn trẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thăm các gian trưng bày tại Ngày hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thăm các gian trưng bày tại Ngày hội

Thủ tướng bày tỏ vui mừng được biết, qua 3 lần tổ chức, Ngày hội Khởi nghiệp đã thu hút ngày càng đông đảo học sinh, sinh viên tham gia với nhiều dự án chất lượng ở các lĩnh vực, ngành nghề. Phong trào khởi nghiệp trong sinh viên không ngừng lan tỏa; các cơ sở giáo dục, đào tạo ngày càng quan tâm tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức lớp kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên; hình thành các quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, điển hình Quỹ BK-Funds của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Số lượng, chất lượng ý tưởng, dự án ngày càng tăng. Trong 4 năm tổ chức đã thu hút  hơn 1.600 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; một số ý tưởng, dự án của sinh viên đã được thành lập doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại.

“Tôi biểu dương và đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo - Cơ quan thường trực của Đề án, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 thời gian qua để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và đạt những kết quả rất đáng trân trọng” - Thủ tướng đánh giá.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV.

Nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị

Dự báo tình hình thời gian tới có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Để phục hồi nhanh, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường, theo Thủ tướng, phải thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng nguồn nhân lực mạnh cả về số lượng và chất lượng theo tinh thần lấy tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam làm trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Để phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về khởi nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, không phải nhiệm vụ của riêng bộ, ban, ngành, địa phương nào. Phải đẩy mạnh truyền thông về đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy.

Thủ tướng yêu cầu: Phải thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành Giáo dục nói chung, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng. Nhà trường và các thầy, cô giáo phải là người truyền cảm hứng, truyền lửa để học sinh, sinh viên xác định rõ mục đích của việc học tập, có tinh thần học tập, thay đổi tâm thế khi ra trường. Đồng thời, khuyến khích sinh viên có những sáng kiến, đổi mới sáng tạo, tạo ra  mô hình kinh doanh mới, có đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa hoặc áp dụng vào thực tế, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho cộng đồng và toàn xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các đại biểu thăm các gian trưng bày tại Ngày hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các đại biểu thăm các gian trưng bày tại Ngày hội.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải chú trọng phát triển từ gốc, từ sức mạnh nội tại

Với mong muốn thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ, Thủ tướng lưu ý một số nội dung quan trọng.

Một là, tiếp tục phát huy truyền thống con người Việt Nam thông minh, cần cù, sáng tạo, bản lĩnh, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, phân tích kỹ hơn, rõ hơn, nhìn thẳng vào những mặt mạnh, mặt yếu của người Việt Nam dưới góc độ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát huy những mặt mạnh, mặt tích cực, khắc phục, hóa giải những mặt yếu, hạn chế. Truyền thống dân tộc Việt Nam là càng khó khăn, thách thức, càng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định và trưởng thành. Trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng ta phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình, phát huy tối đa các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài.

Mặt khác, sớm khắc phục những tư duy, cách nghĩ không phù hợp, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nói chung và tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng. Đó là tâm lý “tiểu nông”; nếp nghĩ theo kinh nghiệm, ngại thay đổi, tầm nhìn thiển cận; không dám thể hiện chính kiến; thụ động, “an phận thủ thường”; cục bộ, địa phương, dòng họ; tâm lý bình quân chủ nghĩa “xấu đều hơn tốt lỏi”, “đèn nhà ai nhà ấy rạng”; tùy tiện, ý thức kỷ luật kém… Thành công sẽ đến với ai làm việc bằng đam mê và sáng tạo với tinh thần tận hiến cho cộng đồng, làm những việc mà người khác không làm được.

Hai là, phát huy tối đa nguồn lực con người, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tập trung đào tạo, ươm mầm tài năng, hình thành nguồn nhân lực công nghệ vững chắc, làm nền tảng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh tặng hoa cho các đơn vị đồng hành cùng Ngày hội khởi nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh tặng hoa cho các đơn vị đồng hành cùng Ngày hội khởi nghiệp.

Bà là, muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải chú trọng phát triển từ gốc, từ chính kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức của con người, thế hệ trẻ Việt Nam. Đưa giáo dục về khởi nghiệp sáng tạo vào nhà trường không chỉ ở bậc đại học, sau đại học mà từ các cấp học. Nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực.

Đổi mới từ cách nghĩ, cách làm đến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng, trong đó, lý thuyết phải gắn chặt với thực tiễn, thực hành. Đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện; tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, tạo môi trường khơi gợi khả năng sáng tạo cho học sinh, sinh viên.

Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo trong tất cả bộ, ban, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên. Toàn hệ thống giáo dục và đào tạo, từ lãnh đạo các trường THPT đến sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là lãnh đạo của trường đại học, cao đẳng đẩy mạnh triển khai Đề án 1665 về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy chương trình chuyển đối số trong giáo dục, gắn các hoạt động chuyển đối số với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Ngày hội.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Ngày hội.

Bốn là, tạo môi trường, thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thể chế, có các cơ chế, chính sách, chương trình đặc thù hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên, học sinh, sinh viên, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhà trường, giảng viên, sinh viên.

Tăng cường đầu tư nguồn lực vật chất cho khởi nghiệp (phòng thí nghiệm đạt chuẩn, nguyên liệu để sản xuất thử nghiệm, vốn mồi, hỗ trợ ban đầu cho các dự án khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nguồn, doanh nghiệp khởi nghiệp ngay trong trường đại học).

Đẩy mạnh kết nối nhà nước - nhà trường - nhà đầu tư trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thu hút không chỉ từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư chuyên nghiệp, mà còn từ các tập đoàn lớn, tổ chức quốc tế, từ các cá nhân và cộng đồng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu hoàn thiện khung  pháp lý quy định về hướng nghiệp khởi nghiệp; đề xuất với Chính phủ và cơ quan liên quan các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy học sinh, sinh viên, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát triển các chương trình, hoạt động ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Hướng dẫn các cơ sở đào tạo hình thành Quỹ sáng tạo khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, kết nối trong nước và quốc tế. Chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, phù hợp vào hoạt động dạy và học. Tăng cường liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương trong phân bổ nguồn lực hợp lý đối với các hoạt động khởi nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động dạy và học ở nước ta.

Bộ Khoa học công nghệ có giải pháp kết nối các Trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các trường đại học với các Trung tâm khởi nghiệp tại các địa phương, hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Phát triển mạng lưới kết nối tri thức và đổi mới sáng tạo toàn quốc, thu hút sự tham gia và tích cực khai thác nguồn tài nguyên vô tận của trí tuệ con người Việt Nam.

Sáu là, các địa phương từng bước xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ sở đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh và bền vững.

Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có giải pháp tạo môi trường, tăng cường truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo. Đẩy mạnh việc thành lập các đơn vị chuyên trách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Xây dựng giải pháp hỗ trợ tài năng trẻ trong khởi nghiệp, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường thu hút nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo; quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ quốc gia hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp của Trung ương Đoàn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu nhấn nút khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu nhấn nút khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đòi hỏi tầm nhìn, giải pháp căn cơ, chiến lược

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà là quá trình lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn, giải pháp căn cơ, chiến lược. Mặc dù vậy, các nước đi sau vẫn có thể rút ngắn được quá trình này nếu học hỏi và áp dụng được kinh nghiệm của các nước đi trước. Muốn thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải có chính quyền đổi mới sáng tạo, xã hội đổi mới sáng tạo, giáo dục đổi mới sáng tạo, con người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đối diện với rủi ro vì lợi ích chung.

Nhấn mạnh điều này, Thủ tướng một lần nữa khẳng định về sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và cá nhân Thủ tướng đến thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên. Đây không chỉ là người chủ tương lai của đất nước, là tiềm năng, nguồn lực, động lực đưa đất nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất.

“Tôi tin tưởng, bằng sức trẻ, một ngày không xa các bạn sẽ tạo ra những giá trị to lớn cho không chỉ Việt Nam mà cho cả thế giới” - Thủ tướng gửi gắm.

Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trân trọng cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quan tâm tham dự và chỉ đạo sự kiện Ngày hội khởi nghiệp. Phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đến hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; là sự ghi nhận, động viên vô cùng ý nghĩa đối với những thành quả bước đầu mà hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên nói chung và Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp nói riêng.

Khẳng định tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho biết: Với tâm thế, tinh thần quyết tâm cao, toàn ngành Giáo dục sẽ nỗ lực thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện tốt công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, phát huy tối đa các kết quả của ngày hội khởi nghiệp, giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên nhằm trang bị các kỹ năng cần thiết, tạo nên khát vọng khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Từ góc độ chuyên môn, chức năng nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo, ngành sẽ thực hiện thật tốt việc trang bị kiến thức, phát triển năng lực, rèn luyện các phẩm chất, kỹ năng cho học sinh từ phổ thông tới đại học để học sinh có được nền tảng căn bản cho khởi nghiệp, sẽ tích cực bồi đắp ý chí và khát vọng cho sinh viên, tăng cường trang bị kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo, cùng với các bộ ngành, doanh nghiệp, thực hiện kết nối nhà trường với doanh nghiệp, tạo lập môi trường tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh sinh viên.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố, cơ quan truyền thông và các tổ chức, đơn vị liên quan đối với ngành Giáo dục nói chung và các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng” - Bộ trưởng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...