>>> Thể lệ cuộc thi "Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam"
Cuộc thi do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thực hiện. Đây là hoạt động trong Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo của Thủ tướng Chính phủ.
Dự lễ phát động có bà Đinh Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng, tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử công an nhân dân, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Công an nhân dân; ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Dương Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó trưởng Ban tổ chức Cuộc thi.
Cùng dự còn có đại diện các cục, vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo một số sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội...
Dẫn lời Bác Hồ trong phát biểu khai mạc: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại Dương Thanh Hương cho rằng: Lịch sử không chỉ là những sự kiện, những con số, mà lịch sử còn làm nên văn hóa dân tộc, quy định bản sắc văn hóa, tâm hồn, tính cách dân tộc. Không am hiểu lịch sử sẽ rất khó có thể am hiểu truyền thống văn hóa dân tộc. Ngược lại, văn hóa giúp chúng ta hiểu rõ hơn quá khứ và nhận thức về quy luật phát triển của lịch sử nhân loại. Vì vậy, việc học tập, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam là hết sức cần thiết, đặc biệt với thế hệ trẻ, để vận dụng, xây dựng và bảo vệ phát triển đất nước.
>>> Thể lệ cuộc thi "Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam"
Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dân tộc và truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc; các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây đồng thời là sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đoàn viên, học sinh, khơi dậy tinh thần ham mê học lịch sử, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thông tin về Thể lệ, nhà báo Nguyễn Đức Tuân, Trưởng ban Thư ký - Biên tập, Báo Giáo dục và Thời đại, thành viên Ban tổ chức - cho biết: Đối tượng tham gia Cuộc thi là cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục; học sinh, sinh viên đã và đang học tập tại các cơ sở giáo dục trên toàn quốc; các bậc phụ huynh học sinh, những người quan tâm tới Cuộc thi.
Nội dung tác phẩm không được hư cấu và tập trung vào các nội dung: Những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, đoàn kết dân tộc; Các tấm gương tiêu biểu trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ hiện nay;
Lịch sử, truyền thống yêu nước, đạo đức lối sống của thanh thiếu niên trong thời đại xã hội chủ nghĩa, nét đẹp trong phong cách sống và rèn luyện ý chí theo các bậc tiền nhân về các quy tắc ứng xử, các đường lối tư duy thanh tao, tốt đẹp… Những gương mặt tiêu biểu của học sinh, sinh viên, giáo viên dân tộc thiểu số, tôn giáo, những mô hình tiên tiến trong bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Các tác phẩm dự thi phải viết bằng tiếng Việt, mỗi tác phẩm tối thiểu 500 từ (chấp nhận các hình ảnh, video minh họa kèm theo nếu có); có thể viết tay hoặc đánh máy, trình bày rõ ràng trên một mặt giấy khổ A4; nếu đánh máy trình bày bằng cỡ chữ 14, font chữ Time NewRoman. Thông tin về tác giả (Họ và tên, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại) ghi rõ trên trang đầu tiên của tác phẩm dự thi.
Tác phẩm dự thi chưa đăng tải trên sách báo, chưa công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào hoặc gửi dự thi ở các cuộc thi khác do Bộ, Ngành trung ương tổ chức tính từ ngày gửi đến Ban Tổ chức. Tác giả dự thi phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về tính chân thực, chính xác về nội dung bài dự thi của mình.
Phát biểu phát động, bà Đinh Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao mục đích, ý nghĩa Cuộc thi. Đây là một hoạt động thiết thực, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên về tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, niềm tin đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, về lý tưởng cách mạng và ý chí quyết tâm rèn tâm trong, trí sáng để viết tiếp nên những trang sử vẻ vang về truyền thống yêu nước của dân tộc.
“Với ý nghĩa đó, tôi mong rằng, các thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên tích cực tham hướng ứng Cuộc thi, coi đó là tình cảm và trách nhiệm của mình; đồng thời đề nghị các nhà báo thông tin sâu về Cuộc thi, từ đó lan tỏa để mỗi thầy cô giáo, học sinh, sinh viên cả nước được tiếp cận và hưởng ứng Cuộc thi” - bà Đinh Thị Mai chia sẻ.
>>> Thể lệ cuộc thi "Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam"
Phát biểu tại lễ phát động, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái đánh giá cao sự sáng tạo, kịp thời của Ban tổ chức trong triển khai Cuộc thi ý nghĩa này. Khẳng định sẽ hưởng ứng Cuộc thi, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái đồng thời đề nghị kéo dài hơn thời hạn nhận bài dự thi, để có thể nhận được số lượng bài dự thi lớn hơn, từ đó tăng thêm sức lan tỏa của Cuộc thi.
Đại diện sinh viên phát biểu hưởng ứng Cuộc thi, em Nguyễn Thị Phương Anh, Trường Đại học kinh tế Quốc dân nhận định: Cuộc thi sẽ giúp ích rất nhiều cho học sinh, sinh viên, khơi dậy tinh thần đam mê tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Bên cạnh đó, Cuộc thi giúp phát huy trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nguyễn Thị Phương Anh mong mỏi thông điệp của Cuộc thi được lan toả mạnh mẽ và Cuộc thi sẽ thu hút được nhiều bài viết chất lượng, ý nghĩa.
Cơ cấu và giá trị giải thưởng Cuộc thi:
Giải tập thể: Có 2 giải thưởng sẽ được trao cho các tập thể có nhiều tác phẩm dự thi đạt chất lượng tốt, bao gồm: Giấy chứng nhận do Báo Giáo dục và Thời đại cấp và 5.000.000 đồng tiền thưởng.
Giải cá nhân: Nhận Giấy chứng nhận giải thưởng cuộc thi do Báo Giáo dục và Thời đại cấp và giá trị giải thưởng như sau:
- 1 giải Nhất: 15.000.000 đồng;
- 2 giải Nhì: 10.000.000 đồng/giải;
- 3 giải Ba: 8.000.000 đồng/giải;
- Giải Khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải.
Kết quả cuộc thi sẽ được thông báo đến tác giả và đăng tải trên Báo Giáo dục và Thời đại, trên Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào cuối năm 2022.