Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: GD&ĐT quyết định công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước thành công

GD&TĐ - “Đảng, Nhà nước ta và toàn xã hội luôn quan tâm, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu; là nhân tố quyết định sự thành công công cuộc công nghiêp hóa – hiện đại hóa, đổi mới, phát triển hội nhập của đất nước”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: GD&ĐT quyết định công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước thành công
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: GD&ĐT quyết định công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước thành công ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: GD&ĐT quyết định công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước thành công ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: GD&ĐT quyết định công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước thành công ảnh 3
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới 2017 – 2018 tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Vai trò đặc biệt quan trọng của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của Đảng, Nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mở đầu sự nghiệp đào tạo cán bộ đã dạy: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.

Trong những thành tựu chung của các cơ sở giáo dục đào tạo bồi dưỡng của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan trọng.

Học viện được thành lập từ 1949 với vai trò là trung tâm bồi dưỡng cán bộ của Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công chỉ đạo, xây dựng; được nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, trực tiếp quản lý và tham gia giảng dạy.

Suốt 68 năm qua, Học viện không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt vừa hồng vừa chuyên. Hàng triệu lượt cán bộ Học viện đào tạo, bồi dưỡng đã trưởng thành và đảm nhiệm các cương vị công tác quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị.

Đặc biệt trong nhiệm kỳ vừa qua, Học viện đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương Đảng tổ chức thành công 6 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp, trong đó 113 đồng chí trở thành Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Năm học 2016 - 2017, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ với phương châm: Kỷ cương, đồng bộ, đổi mới, hiệu quả, Học viện đã tiến hành đổi mới mạnh mẽ mọi mặt hoạt động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Cụ thể, Học viện đã hoàn thành tốt tổ chức lại công tác đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản hơn, quy mô hợp lý, tập trung nâng cao chất lượng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tích cực đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

Đặc biệt, chú trọng cập nhật các nội dung văn kiện đại hội đảng bộ lần thứ 12 của Đảng và các Nghị quyết Hội nghị trung ương khóa 12; bổ sung những nội dung mới, những vấn đề thời sự; công tác quản lý mang tính hệ thống, tạo được nhiều chuyển biến tích cực...

Hoạt động nghiên cứu khoa học được coi trọng hơn, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho Đảng, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối chính sách và phục vụ trực tiếp nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng … Đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu không ngừng được nâng cao trình độ về mọi mặt, ngày càng được trẻ hóa.

Cơ sở vật chất được tăng cường một bước, theo hướng hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đáp ứng tốt hơn cho yêu cầu đào tạo.

“Với những thành tích đạt được trong nhiều năm qua, Học viện đã vinh dự được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Huy chương Sao Vàng, Huy chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” – Thủ tướng cho biết.

Cần nhìn rõ thời cơ, vận hội và hạn chế thách thức 

Cùng ôn lại, tự hào về những truyền thống tốt đẹp và những thành tích đã đạt được, nhưng Thủ tướng cũng lưu ý cần chỉ rõ những tồn tại hạn chế.

Theo đó, chất lượng đào tạo tuy đã có bước nâng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; nội dung chương trình còn khô cứng, chưa hấp dẫn; phương pháp đào tạo đổi mới còn chậm, chưa đồng bộ; công tác quản lý đào tạo tính chuyên nghiệp chưa cao; kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn buông lỏng; đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ giảng viên gặp khó khăn để phát triển cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được môi trường giáo dục đào tạo hiện đại.

“Đây không chỉ là hạn chế riêng của Học viện mà là vấn đề chung của cả hệ thống các trường đào tạo bồi dưỡng mà chúng ta cần có kế hoạch khắc phục trong thời gian tới” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhận định chúng ta đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội để phát triển, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, Thủ tướng nêu rõ:

Tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, không đồng đều và có nhiều biến cố khó lường. Trong khu vực, các nước lớn trành giành ảnh hưởng, cạnh tranh quyết liệt; tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt tranh chấp trên biển Đông…

Bên cạnh đó, cũng có những thuận lợi, cơ hội nổi bật, đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học công nghệ phát triển nhất nhanh, cùng với toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, mang lại cơ hội lớn, tác động mạnh mẽ, thúc đẩy đổi mới kinh tế xã hội của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

Theo Thủ tướng: Kinh tế thị trường, tiến bộ công bằng xã hội vì hòa bình phát triển và cung chung tay giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu là xu hướng chung của nhân loại.

Ở trong nước, sau những năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Thế và lực của ta đã lớn mạnh hơn nhiều.

Chính vì thế và lực ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường, văn hóa xã hội được phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, đại đoàn kết dân tộc không ngừng được tăng cường, quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, vị thế Việt Nam ngày nay trên trường quốc tế được nâng cao.

Bên cạnh đó, yếu kém được Thủ tướng chỉ ra là kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa xứng với tiềm năng, chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh còn thấp, phát triển còn chưa bền vững, cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.

Nhiệm vụ đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo vệ chủ quyền quốc gia toàn lãnh thổ còn rất nặng nề; yêu cầu rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn, đặc biệt là những thiên tai gần đây đối với cả nước.

Hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng đã mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho sự phát triển ,nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức.

Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu đối với các cán bộ, giảng viên và từ đó đặt ra mục tiêu đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Học viện phải bám sát chức năng, nhiệm vụ, tập trung đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

“Chính vì vậy, tôi cơ bản tán thành phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017 – 2018 của Học viện theo phương chấm đột phá, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Những nhiệm vụ cấp thiết

Thủ tướng giao nhiệm vụ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cần tiếp tục củng cố nâng cao vị thế của Học viện; tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để vừa phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, vừa góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, cho Nhà nước, hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược và chính sách pháp luật…;

Tích cực phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa cơ sở vật chất, để trường lớp đủ điều kiện phục vụ học tập, sinh hoạt của học viên,của cán bộ giảng viên, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và quản lý, nhất là bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thủ tướng nhấn mạnh: Tự hào là học viên của học viện, các đồng chí cần ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề của học viên trường Đảng. Trong buổi lễ khai giảng này, tôi yêu cầu các đồng chí quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt một số yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng lý luận cách mạng ngay từ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là yêu cầu hàng đầu đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt trong hệ thống chính trị. Cần luôn rèn luyện Cần - Kiệm - Liêm – Chính - Chí công vô tư, có phong cách lối sống trung thực, khiêm tốn giản dị như Bác Hồ nhiều lần đã huấn thị.

“Không ai có quyền vin vào những khó khăn, tiêu cực, những trở ngại, những thách thức hiện nay để tự cho phép mình làm những điều sai trái với tư cách và danh dự của người công bộc. Trái lại, cuộc sống có nhiều thử thách thì chúng ta càng phải tu dưỡng đạo đức, lý tưởng và phẩm chất công bộc, đầy tớ của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, tích cực học tập nghiên cứu và hiểu biết sâu sắc lý luận Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh và cập nhật kịp thời, đầy đủ tri thức hiện đại cần thiết cho lĩnh vực của mình; cần đẩy cao năng lực tự nghiên cứu, tự đào tạo, học tập nghiêm túc, thực sự cầu thị và sáng tạo; cần thấm nhuần tinh thần đổi mới của nước ta trong bao năm qua, có nhận thức đúng đắn, hành động phù hợp với quy luật của chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh...

Thứ ba, phải gắn lý luận với thực tiễn, đối với công tác đào tạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Yêu cầu này càng phải đặt ra một cách bức thiết vì đối tượng đào tạo của Học viện là những người trực tiếp lãnh đạo, quản lý ngành, địa phương, đơn vị…

Thủ tướng đồng thời đề nghị Ban Giám đốc học viện coi việc rèn luyện ý thức kỷ luật, đạo đức, tác phong, lối sống của học viện như là một trong những mục đích, yêu cầu, nội dung hữu cơ trong các chương trình đào tạo bồi dưỡng.

Ban Giám đốc cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cấp ủy nơi cử người đi học có những giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng học tập rèn luyện của mỗi học viên trong toàn hệ thống Học viện.

“Chính phủ luôn trông đợi những kết quả tốt đẹp của Học viện trong năm học 2017 – 2018 và thời gian tới” – Thủ tướng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ