Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khai giảng tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

GD&TĐ - Sáng nay (5/9), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khai giảng năm học mới 2017 – 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương đã đến dự lễ khai giảng của nhà trường. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự khai giảng tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự khai giảng tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Trong thời gian qua, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có sự đổi mới mạnh mẽ các mặt công tác với phương châm: “Đột phá, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả”, trong đó chú trọng đảm bảo kỷ cương, kỷ luật; gắn chặt chẽ dân chủ với kỷ cương, kỷ luật; nâng cao tính hiệu quả, thực hiện đổi mới có trọng tâm, trọng điểm.

Với tinh thần khách quan và trách nhiệm cao trước nhiệm vụ được giao, Ban Giám đốc Học viện đã thảo luận và thống nhất nội dung báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình Học viện, phương hướng, nhiệm vụ và kiến nghị, đề xuất.

Khai giảng năm học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Khai giảng năm học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 

Theo đó, định hướng phát triển Học viện giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030 là: Tăng cường vị thế của Học viện với tư cách là Trường Đảng Cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; là một cơ quan Đảng đặc thù trong hệ thống các cơ quan lãnh đạo của Trung ương Đảng; là trung tâm quốc gia duy nhất có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho toàn Đảng và hệ thống chính trị;

Cùng với đó, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là đổi mới nội dung chương trình;

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học vừa để bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vừa góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược, chính sách, pháp luật; vừa để phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện;

Hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch và cơ cấu lại một số đơn vị trực thuộc theo hướng xây dựng Học viện thành một thể thống nhất. Rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các quy chế hoạt động, đặc biệt là quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong toàn Học viện.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của Học viện để xứng tầm là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận của hệ thống chính trị...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà Học viện đạt được với những cải cách, đổi mới thiết thực hơn, chất lượng nâng lên một bước. Học viện đã có nhiều đóng góp vào việc xây dựng đường lối, chính sách, thể chế pháp luật và quản lý điều hành đất nước.

Tuy nhiên, Học viện còn một số tồn tại như chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của trường Đảng Trung ương. Việc thực hiện chức năng định hướng về mặt chuyên môn cho hệ thống trường Đảng các địa phương còn một số vấn đề cần chú ý hơn. Có nội dung, chương trình đào tạo chưa phù hợp với thực tiễn kinh tế-xã hội của đất nước và tình hình thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng.

Nêu các định hướng lớn đối với Học viện, Thủ tướng cho rằng Học viện cần có tầm nhìn mới trong phát triển, cần đặt mục tiêu vươn ra khu vực và thế giới với sứ mệnh quan trọng là góp phần hình thành nền tảng lý luận của Đảng, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới và đào tạo ra những nhà chính trị tương lai cho đất nước, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong thời kỳ toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0.

Cần đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu thông qua đổi mới được động lực của từng giảng viên, từng đơn vị và mở rộng hợp tác quốc tế để cập nhật kiến thức, kỹ năng của thế giới. Để làm được điều đó, cần 2 việc là có hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo, nghiên cứu và cải thiện thu nhập, bổ nhiệm dựa trên kết quả làm việc, giảng dạy, nghiên cứu.

Cần xây dựng đối tác chiến lược với các trường tốt trên thế giới để trao đổi học thuật, xây dựng và hoàn thiện chương trình học tập, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho giảng viên của Học viện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết lưu bút tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết lưu bút tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Phải tiếp tục thu hút nhân tài. Giao thêm quyền tự chủ và hiện đại hóa cơ sở vật chất; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Cần thực hiện tốt phương châm gắn lý luận với thực tiễn, có những nghiên cứu khoa học khách quan, những phản biện sáng tạo được đúc rút từ thực tiễn để đóng góp vào kho tàng tư tưởng của Việt Nam.

Học viện và các phân viện cần tăng cường quản lý Nhà nước về đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Chính trị đã thông qua dự thảo Nghị định về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Học viện. Học viện và các cơ quan khẩn trương hoàn thiện để Thủ tướng ký sớm Nghị định này (thực hiện đúng tinh thần của Trung ương về tinh giản cán bộ, thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng cường kỷ luật kỷ cương).

Với vị trí vừa là cơ quan của Đảng, vừa là một trong 8 cơ quan thuộc Chính phủ, Học viện cần chủ động tăng cường cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học để hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo sát thực tiễn, đồng thời hỗ trợ vận hành thông suốt, hiệu quả hệ thống 72 trường chính trị.

“Sắp tới đây, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có cơ chế để đặt hàng đối với Học viện về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; trong tư vấn, phản biện chính sách”, Thủ tướng cho biết và bày tỏ mong muốn Học viện chủ động nghiên cứu, đánh giá, đề xuất những giải pháp, kế sách góp phần phát triển đất nước. “Một vấn đề đặt ra là nhà khoa học giỏi, giảng viên giỏi đồng thời phải là nhà tư vấn tốt” - Thủ tướng nhấn mạnh.

“Cá nhân Thủ tướng luôn lắng nghe các ý kiến của Học viện. Các đồng chí nếu có sáng kiến, kế sách gì xây dựng đất nước thì có thể thông qua Học viện hoặc gửi trực tiếp cho Thủ tướng. Thủ tướng cầu thị, trân trọng ý kiến trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm các đồng chí”.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, các địa phương chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Học viện cũng như các trường Đảng trong cả nước hoạt động hiệu quả hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ