Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đối ngoại phải đi trước, kịp thời, phát hiện vấn đề và kiến nghị giải pháp cho đất nước

GD&TĐ - Sáng 15/8, tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (khai mạc sáng 13/8 tại Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu tại phiên toàn thể “Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Gửi lời chào những nhà ngoại giao, những người nỗ lực dệt nên sợi dây kết nối hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè năm châu, tạo nên vị thế Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, Thủ tướng nhìn nhận, thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của công tác đối ngoại.

Theo Thủ tướng: Chúng ta đã kết hợp tốt những vấn đề bên trong và bên ngoài, đối nội và đối ngoại để phát triển đất nước. Những nguồn lực từ bên ngoài cùng với bên trong đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao liên tục.

Thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Bộ Ngoại giao đã triển khai ngoại giao kiến tạo, đạt nhiều kết quả tốt. Việt Nam là nước ASEAN duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và toàn bộ nhóm G7, 13/20 nước G20. Đây là những đối tác thương mại, đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Chỉ riêng 5 nước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và G7 đã chiếm trên 27% tổng vốn đầu tư FDI, chiếm gần 50% tổng kim ngạch thương mại 2017…

Ngành ngoại giao đã quyết liệt hành động, góp phần mở rộng thị trường và tranh thủ mọi nguồn lực để phục vụ nhu cầu phát triển đất nước. Doanh nghiệp và địa phương đang trở thành trung tâm trong các nỗ lực xúc tiến quảng bá kinh tế đối ngoại của ngành ngoại giao, đúng theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Theo Thủ tướng, đây cũng là điểm mới tại Hội nghị lần này khi mời nhiều lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp tham dự...

Nhấn mạnh việc làm tốt việc thu nhận trí tuệ thế giới về Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, Bộ Ngoại giao phải là một anten nhạy cảm để thu hút người tài, người có đầu óc khoa học vào Việt Nam, nhất là bà con Việt kiều tài năng. Thay mặt Chính phủ, khẳng định niềm tin của Đảng, Nhà nước vào ngành ngoại giao, nhiệm vụ nặng nề nhưng vinh quang, Thủ tướng tin tưởng ngành ngoại giao sẽ có bước phát triển mới sau hội nghị quan trọng này. 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển động nhanh, nhiều bất ổn khó lường, Thủ tướng đề nghị, ngoại giao kiến tạo phát triển cần phải chủ động và sáng tạo hiệu quả. Công tác đối ngoại phải góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và phát triển. Đây là nhiệm vụ rất khó, trọng trách nặng nề, chúng ta cần làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Thủ tướng nêu rõ, Bộ Ngoại giao cần phối hợp liên ngành để tìm ra những phương thức sáng tạo, linh hoạt, nâng cao vị thế quốc gia, khai thác những điểm thuận, khắc phục những điểm bất đồng và điều quan trọng là tạo ra các cơ hội gìn giữ hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển.

Phát huy, tạo lập và củng cố vị thế chiến lược của Việt Nam. Đây là một trong những ưu tiên của công tác đối ngoại, tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước thời gian tới.

Công tác đối ngoại phải đóng góp tích cực cho phát huy nội lực, xây dựng nền kinh tế tự chủ, những nhân tố vững chắc cho nguồn lực quốc gia. Phát huy nội lực là công việc của mọi người dân, Bộ Ngoại giao cũng không thể đứng ngoài. Đối ngoại phải đi trước, kịp thời, phát hiện vấn đề và kiến nghị giải pháp cho đất nước. Chính phủ có trách nhiệm đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế và sẽ cố gắng tìm những dư địa cho tăng trưởng xoay quanh 3 động lực: Nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.

Hoan nghênh chủ đề của Hội nghị năm nay đã xác định phương châm chủ động, sáng tạo, hiệu quả, chủ động trong đối ngoại, Thủ tướng cho rằng, không chỉ kịp thời tận dụng cơ hội thuận lợi, kịp thời ứng phó biến động mà cần hướng tới tính đi trước một nhịp để làm rất tốt công tác dự báo chiến lược, công tác tham mưu cho Chính phủ và cả các bộ ngành. Sáng tạo trong đối ngoại chính là kiên định mục tiêu, nhưng linh hoạt trong sách lược, nhất là trong thế giới đang biến động rất nhanh chóng. Chính vì vậy, ngành ngoại giao phải thích ứng với tình hình mới, sẵn sàng đổi mới tư duy, để cung cấp những quan điểm, cách tiếp cận, giải pháp mới, không sa vào lối mòn.

“Khi thực tiễn có biến đổi chưa có tiền lệ thì Chính phủ cũng sẵn sàng đón nhận những đề xuất mới chưa có tiền lệ. Chúng ta phải sáng tạo vận dụng” - Thủ tướng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ