Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em

GD&TĐ - Sáng 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc về các giải pháp bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo lực, xâm hại và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em.

Thủ tướng nêu rõ, trẻ em phải là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội
Thủ tướng nêu rõ, trẻ em phải là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội

Nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở

Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến; với mục tiêu đánh giá đúng thực trạng xâm hại trẻ em; phân tích chính xác các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và đưa ra những giải pháp hiệu quả để phòng, chống, chặn đứng tình trạng xâm hại trẻ em.

Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình là 21,3%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%...

Theo một số ý kiến, giải pháp quan trọng là phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương; tuyên truyền, GD ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách khi mà hiện nay toàn quốc mới có khoảng 5% cấp xã bố trí.

Trong đó, giải pháp rất quan trọng là nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở. Đây cũng là một trong những lý do hội nghị trực tuyến có sự tham gia của cấp này.

Nêu rõ tầm quan trọng của hội nghị với sự tham gia của khoảng 18.000 người tại khoảng 700 điểm cầu truyền hình trực tuyến tại các xã, huyện của cả nước, Thủ tướng nói: “Đông và nhiều thành phần tham dự như vậy để làm gì? Việc thứ nhất rút ra từ hội nghị này là chúng ta cần nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ trẻ em, trước hết là 17 cơ quan có chức năng làm công việc này”. Điều quan trọng nữa, theo Thủ tướng, là đưa ra được biện pháp để bảo vệ trẻ em tốt hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn.

Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Nhấn mạnh việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho việc thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ, được sống an toàn của trẻ em, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở phải nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và quan tâm đúng mức hơn về công tác bảo vệ trẻ em.

Thủ tướng đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý khi mà hiện nay toàn quốc mới có 590/11.162 - khoảng 5% cấp xã bố trí.

Cần nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn thanh niên xã, Hội Phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản. Các địa phương chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em; bố trí đủ nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em.

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định bảo đảm phù hợp với Luật về trẻ em, tiếp tục hoàn thiện theo hướng: Việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em phải nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; cụ thể, rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền. Trong đó, Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có chương trình đào tạo, GD kỹ năng tự bảo vệ mình cho các cháu, tùy theo lứa tuổi, giới tính.

Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em, không để tình hình nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng cơ quan chịu trách nhiệm từng công việc cụ thể thì chưa rõ. Ủy ban quốc gia về trẻ em định kỳ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá tại các bộ, ngành, địa phương về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em…

Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Đề án vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc trẻ em vùng đồng bào DTTS, miền núi; đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động phong trào hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em vùng đồng bào DTTS, miền núi nhân Ngày Vì người nghèo Việt Nam 17/10/2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ