Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa năm 1789 đã đi vào lịch sử dân tộc, ghi dấu công tích vang dội của Hoàng đế Quang Trung cùng tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn và những người con đất Việt đã anh dũng chiến đấu, hy sinh chống giặc ngoại xâm, giải phóng Kinh thành Thăng Long xưa, góp phần làm nên Hà Nội nghìn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình ngày nay.
Trong diễn văn kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào ôn lại, mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, ngày này cách đây đúng 228 năm, trên mảnh đất lịch sử này, nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ, đã hành quân thần tốc, táo bạo tiến công vào Kinh thành Thăng Long và đỉnh cao là trận chiến sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu, đánh tan hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, Kinh thành Thăng Long được giải phóng, đất nước trở lại bình yên.
Từ đó, ngày mùng 5 tháng Giêng hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm truyền thống thiêng liêng, trọng đại, có ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với nhân dân cả nước nói chung và nhân dân quận Đống Đa nói riêng.
Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa là sự hội tụ, phát huy tinh thần yêu nước, yêu độc lập, tự do nghìn đời của dân tộc Việt Nam, của truyền thống đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường không cam chịu sống kiếp đời nô lệ.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
“Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa là chiến công vĩ đại, hiển hách, mãi mãi đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, là bản hùng ca bất hủ trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta”, ông Nguyễn Song Hào phát biểu và nhấn mạnh: "Chúng ta càng tự hào sống trên mảnh đất đã ghi dấu chiến công oanh liệt này".
Gò Đống Đa hiện nay nằm trên phố Tây Sơn, tên phố được đặt theo tên nghĩa quân Tây Sơn, thuộc phường Quang Trung, Hà Nội.
Nằm ngay giữa trung tâm của quận Đống Đa là một khu di tích lịch sử có giá trị nổi bật với điểm đặc biệt không phải là chùa, đình hay miếu mà chỉ là một cái gò nổi lên giữa khu dân cư đông đúc sinh sống.
Lễ hội Gò Đống Đa kéo dài hết ngày mùng 5 Tết với các chương trình rước rồng lửa Thăng Long, các tiết mục thi đấu võ thuật, cờ người cờ tướng... thể hiện tinh thần thượng võ, khí thế hào hùng của chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa lịch sử, hào hùng.