Thủ tướng đi thị sát Đập tràn Lạc Khoái, chỉ đạo hộ đê tại Ninh Bình

GD&TĐ - Sáng 12/10, trước diễn biến mưa lũ phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hủy mọi cuộc làm việc tại Hải Phòng để đến Ninh Bình thị sát Đập tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, Ninh Bình chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều.

Thủ tướng đi thị sát Đập tràn Lạc Khoái, chỉ đạo hộ đê tại Ninh Bình

Tại đập tràn Lạc Khoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe lãnh đạo tỉnh Ninh Bình báo cáo về công tác chống lũ, phương án ứng phó với tình huống có thể xảy ra, đồng thời đi ca nô trên sông Hoàng Long để thị sát tình hình lũ. Thủ tướng  đánh giá cao việc tỉnh khẩn trương tiến hành di dân, nhấn mạnh tinh thần bảo đảm an toàn tối đa cho người dân.

Về tình hình mưa lũ tại tỉnh, trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện Gia Viễn và vùng phụ cận từ đêm ngày 9/10 đến ngày 11/10 đã có mưa to đến rất to, kèm theo giông gió. Tỉnh Ninh Bình đã phát đi lệnh “hộ đê toàn tuyến”.

Chiều 11/10 lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã họp khẩn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Tổng lượng mưa đo được đến hết ngày 11/10 là trên 400 mm, riêng ngày 11/10 lượng mưa bình quân trên địa bàn huyện đạt khoảng 180 mm đã gây ra tình trạng ngập úng nội đồng và xuất hiện lũ lớn trên sông Hoàng Long với nước từ Hưng Thi (Hòa Bình ) đổ về.

Ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã ký lệnh di dân với một số xã thuộc huyện Nho Quan và Gia Viễn (Ninh Bình) với tổng số hơn 3000 hộ dân và trên 200.000 người.

Hiện tại 38 hồ đập ở huyện Nho Quan đã tràn bờ, có nguy cơ sạt lở đất cao. Tràn Đức Long – Gia Tường (Nho Quan) cũng đã được tính phương án xả tràn để hạ mức nước lũ sông Hoàng Long, tránh vỡ đê. Nếu xả tràn này, người dân xã Đức Long, Gia Tường, Gia Thủy, Lạc Vân cũng sẽ phải sơ tán.

UBND huyện Nho Quan, UBND huyện Gia Viễn phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội di dời dân và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết, đảm bảo trước xả tràn phải đưa được toàn bộ nhân dân vùng phân lũ, chậm lũ đến nơi an toàn.

Chủ tịch tỉnh Ninh Bình cũng yêu cầu UBND huyện Nho Quan, UBND huyện Gia Viễn, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các đơn vị liên quan sẵn sàng các phương án xả tràn khi có lệnh.

Hiện, tỉnh Ninh Bình đã huy động toàn bộ lực lượng sẵn sàng để chống lũ 24/24h.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.