Thời điểm nước lũ dâng cao hơn 2km đê sông Bưởi vào khoảng gần 7h tối 11/10. Ngay lập tức , lực lượng chức năng đã khẩn trương di dời khoảng 1.000 hộ dân ở xã Thạch Định và một số hộ dân ở các xã lân cận ra khỏi vùng nước lũ cuốn nguy hiểm ngay trong đêm.
Đồng thời, các tuyến đường từ thị trấn Kim Tân qua cầu Kim Tân đi các xã Thạch Định, Thạch Bình, Thạch Tân đã được các lực lượng chức năng phong tỏa. Huyện đã cắt cử người túc trực ở điểm đầu và cuối điểm tràn đê, yêu cầu người dân và phương tiện không được qua lại khu vực ngập sâu, nước dâng cao rất nguy hiểm.
Hiện, nước lũ trên các sông tại Thanh Hoá vẫn đang lên rất nhanh.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc TT Dự báo Khí tượng thuỷ văn TƯ cho biết, do tác động của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu áp thấp, đêm 11/10 đến ngày 12/10, khắp Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hoá - Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, riêng vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 150mm.
Lưu lượng nước về hồ Hoà Bình đang ở mức cao chưa từng có 15.000m3/s, buộc thuỷ điện phải xả 7 cửa (đóng 1 cửa lúc 13h45) nên dự báo trong ngày 12/10, lũ trên các sông ở Thanh Hoá sẽ lên rất nhanh, trên sông Mã sẽ lên vượt BĐ3 1m, tương đương với lũ lịch sử năm 1980 và dự báo có thể dâng hơn.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thanh Hóa, tính đến 17h ngày 11/10, trên địa bàn tỉnh đã có 11 người chết và mất tích do mưa lũ, trong đó có 7 người chết và 4 người mất tích.
Mưa lũ đã làm 39 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 6.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Diện tích lúa và hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập hàng chục nghìn ha. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi hơn 1.000 con gia súc, gia cầm...
Tuyến đê bao tại Tế Nông bị vỡ dài 3 m; tuyến đê tả sông Chu, xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân bị sạt lở mái đê dài 87 m; mưa lũ cũng làm sạt lở mái đê tả Cầu Chày, xã Yên Phú, huyện Yên Định dài 70m…