Về tiến độ dự án, ông Nguyễn Khánh Tùng - Phó trưởng Ban Quản lý dự án Đường sắt (QLDA) - thông tin: Dự án đã hoàn thành công tác vận hành thử toàn tuyến. Hiện nay Ban QLDA đang tích cực làm việc cùng Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, tổng thầu, tư vấn đánh giá độc lập về an toàn, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và các đơn vị liên quan để chuẩn bị công tác nghiệm thu, hoàn thiện thủ tục để bàn giao cho UBND TP. Hà Nội khai thác, sử dụng.
Dẫn giải nguyên nhân chậm tiến độ trong giai đoạn vừa qua, ông Tùng cho hay: Từ đầu năm đến tháng 6/2020, do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Tổng thầu Trung Quốc, tư vấn giám sát và tư vấn độc lập của Pháp đánh giá an toàn hệ thống không thể đưa nhân sự sang Việt Nam triển khai các công việc còn lại của dự án. Trong khi đó, vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng trọn gói và thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước chưa được tháo gỡ dẫn đến tiến độ thực hiện dự án kéo dài.
"Theo văn bản chấp thuận của Thủ tướng và quyết định điều chỉnh tiến độ của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành tháng 12/2020, dự án được điều chỉnh tiến độ thực hiện đến 31/3/2021" - Phó trưởng Ban QLDA cho hay.
Ngày 7/1, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Ban QLDA Đường sắt, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề cập tới Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và chỉ đạo triển khai các phần việc cuối cùng của dự án này.
Bộ trưởng GTVT cho biết, dự án đã hoàn thành vận hành thử toàn hệ thống trong tháng 12/2020 với hơn 70.000km và hàng nghìn lượt tàu chạy. Việc vận hành thử được xã hội, người dân ghi nhận và kỳ vọng dự án sớm hoàn thành để đưa vào khai thác thương mại.
"Thời gian qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ dự án, nhưng đến nay đã hoàn thành vận hành thử nên không thể tiếp tục kéo dài. Chủ trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án đã rõ ràng. Ban QLDA đường sắt có trách nhiệm trực tiếp đối với dự án, vì vậy cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung cao độ, ưu tiên đặc biệt, huy động tất cả nhân lực để sớm hoàn thành dự án để bàn giao cho Hà Nội" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết hiện nay TP.Hà Nội đã sẵn sàng tiếp nhận Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và nhắc nhở các cán bộ, kỹ sư tham gia quản lý, điều hành dự án phải tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trước đó, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được thử nghiệm toàn hệ thống từ ngày 12/12 - 31/12/2020, theo 166 quy trình vận hành. Toàn hệ thống dự án được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành OCC đặt tại Depot Hà Đông.
Đánh giá kết quả ban đầu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông - trực tiếp phụ trách, điều hành dự án - cho biết cơ bản đã các bên thống nhất được những nội dung cần thiết, xử lý những tình huống giả định về an toàn chạy tàu, trong quá trình vận hành có những phát sinh được phối hợp giải quyết kịp thời…
"Đến khoảng 15/1, cơ bản các báo cáo đánh giá an toàn, kỹ thuật, vận hành dự án sẽ được hoàn tất. Khi đó, những nội dung trong báo cáo đánh giá độc lập và báo cáo tổng thể sẽ được thẩm định, xem xét, phân tích kỹ lưỡng. Dự án phải đảm bảo an toàn mới đưa vào vận hành khai thác. Kết quả thử nghiệm phải chờ các đơn vị có trách nhiệm đưa ra cụ thể" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.
Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.