Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến, dân tộc Việt Nam luôn thể hiện truyền thống hiếu học, trọng dụng nhân tài. Ngay từ năm 1070, vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng Văn miếu Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên của nước ta.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự hiếu học của dân tộc Việt Nam luôn được đề cao và vun đắp với minh chứng 82 văn bia tiến sĩ tại khu di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Đặc biệt vào năm 1484 nơi đây đã khắc ghi câu văn nổi tiếng của Thân Nhân Trung: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa không đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng đào tạo nhân tài, bồi đắp thêm nguyên khí.
Trong chiếu lập học của Hoàng đế Quang Trung có viết: Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi cấp, có nghĩa là: Dựng nước lấy việc học làm đầu, cầu thị lấy nhân tài làm gấp. Có thể nói, trong bất cứ vùng miền nào, bất cứ giai đoạn lịch sử nào của đất nước chúng ta đều có nhiều dòng họ, nhiều gia đình khoa bảng, gia đình có con cái học giỏi và thành đạt nổi tiếng về sự hiếu học, làm rạng rỡ quê hương đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của giáo dục đối với sự phát triển hưng thịnh của đất nước. Người đặt trọn niềm tin hi vọng vào thế hệ trẻ phải kế tục xứng đáng truyền thống vẻ vang của cha ông bằng sự nỗ lực phấn đấu học tập của mình để mở ra tương lai tươi sáng cho đất nước.
Chỉ 3 ngày sau Tuyên ngôn Độc lập, vào ngày 5/9/1945, Bác Hồ đã gửi thư cho học sinh nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong thư Người viết: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu.
Nhận thức được vai trò và ý nghĩa của GD-ĐT, xuyên suốt qua nhiều kì đại hội Đảng cũng như nhiều Hội nghị Trung ương, quan điểm GD-ĐT là quốc sách hàng đầu không hề thay đổi.
Chẳng hạn Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII năm 1993 khẳng định GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Gần đây nghị quyết Trung ương 8 khóa XI một lần nữa cũng khẳng định GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân. Từ thực tiễn đổi mới, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra 3 đột phá chiến lược trong đó có đột phá về nguồn nhân lực.
Tiếp nối những tinh thần trên, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội 13 của Đảng sắp khai mạc đặt yêu cầu xây dựng đồng bộ thể chế chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương GD-ĐT cùng với KH-CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.
Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Từ một nước nghèo kém phát triển, chúng ta đã trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, có vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao. Đạt được thành tựu đó không thể không nhắc tới sự đóng góp quan trọng của ngành GD-ĐT nước nhà.
Trong những năm qua, chất lượng giáo dục các cấp được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38/174 nền kinh tế, trong đó tiêu chí về kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.
Học sinh tiểu học Việt Nam đứng top đầu các nước ASEAN ở năng lực đọc hiểu, viết và Toán trong các đợt đánh giá PISA của tổ chức OECD. Việt Nam cũng đạt nhiều kết quả vượt trội so với trung bình các nước trong khối. Đến nay Việt Nam có 4 trường đại học nằm trong top 1000 của thế giới, 11 trường đại học nằm trong top các trường đại học hàng đầu châu Á. Nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong top 500 thế giới.
Đặc biệt, năm 2020 dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu nhưng các cháu học sinh Việt Nam vẫn tham dự các kì thi Olympic khu vực quốc tế theo hình thức trực tuyến và đều đạt được những thành tích đặc biệt xuất sắc. Trong đó đội tuyển Hóa học có 4/4 thí sinh đạt huy chương vàng, xếp thứ 2 thế giới.
Các đoàn học sinh Việt Nam liên tục góp mặt trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất, nhiều học sinh Việt Nam đạt kết quả cao nhất. Kết quả xuất sắc này trước hết là sự nỗ lực của chính các cháu học sinh, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, sự quan tâm chăm lo động viên khích lệ kịp thời của các bậc phụ huynh, của các tổ chức đoàn thể đối với các cháu trong suốt quá trình học tập.
Dấu ấn học sinh Việt Nam trên đấu trường Olympic quốc tế năm 2020
Đây cũng là kết quả của sự đổi mới của ngành giáo dục trong công tác tuyển chọn bồi dưỡng các đội tuyển quốc gia tham gia các kì thi Olympic khu vực và quốc tế theo yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.
Thủ tướng cho rằng các cháu học sinh thực sự xứng đáng là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thi đua dạy tốt học tốt của ngành GD, mang về niềm tự hào cho gia đình, nhà trường và đất nước. Những thành tích này đã góp phần làm rạng danh đất nước và dân tộc, minh chứng thêm Người Việt Nam có đầy đủ tố chất bẩm sinh để phát triển và trường tồn.
Ghi nhận đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành GD đã đạt được trong năm 2020 cũng như giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng đặc biệt biểu dương những thành tích rất đáng tự hào của tất cả các cháu học sinh đã đạt được trong kì thi Olympic khu vực và quốc tế trong những năm qua.
Biểu dương các thế hệ thầy giáo cô giáo giảng dạy tại các trường chuyên trong cả nước rong nhiều thập niên đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong việc phát hiện đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.
Hàng trăm tấm huy chương mà các cháu mang về cho Tổ quốc, hàng ngàn nhà khoa học tài năng của Việt Nam nguyên là học sinh của các trường chuyên đang học tập trong và ngoài nước chính là sự ghi nhận thành tích của các trường, các thầy cô giáo toàn ngành trong những năm qua- Thủ tướng khẳng định.