Thủ tướng chỉ ra ba trụ cột cho Đại học Cần Thơ

GD&TĐ - Chiều 10/9, đến thăm, nói chuyện với hơn 1.000 sinh viên, giảng viên của Đại học Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra 3 trụ cột để nhà trường bảo đảm chất lượng: Sự cam kết của trường; sự công nhận của xã hội; và kiểm định chất lượng giáo dục.

Theo Thủ tướng, Đại học Cần Thơ hướng đến là 1 trong 20 trường đại học hàng đầu về nghiên cứu ở Đông Nam Á, là mô hình đại học kiểu mẫu của Việt Nam. Ảnh: VGP
Theo Thủ tướng, Đại học Cần Thơ hướng đến là 1 trong 20 trường đại học hàng đầu về nghiên cứu ở Đông Nam Á, là mô hình đại học kiểu mẫu của Việt Nam. Ảnh: VGP

Thủ tướng đánh giá cao kết quả Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đạt được trong 52 năm qua, kể từ khi thành lập. Trường đào tạo 98 chuyên ngành bậc đại học, 45 chuyên ngành thạc sĩ, 16 chuyên ngành tiến sĩ. Số sinh viên theo học gần 47.000 người, quy mô có thể so sánh với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM.

ĐHCT đứng trong tốp đầu các trường đại học của Việt Nam về số lượng công bố quốc tế. Theo xếp hạng Webo, ĐHCT xếp thứ 3 của Việt Nam; thứ 57 của khu vực Đông Nam Á; 701 của châu Á và thứ 2.704 trong số gần 12.000 trường đại học và học viện đại học trên thế giới.

Theo Thủ tướng, với nền tảng như vậy, cùng với cơ sở vật chất và đội ngũ, ĐHCT hoàn toàn có thể định vị với vai trò là nơi khởi nguồn các ý tưởng sáng tạo, phát kiến, khởi nghiệp. Trường nên mạnh dạn thay đổi sứ mệnh phụng sự xã hội, thông qua đổi mới trong giáo dục đào tạo, nghiên cứu sáng tạo.

Theo Thủ tướng, ĐHCT cần hướng đến là 1 trong 20 trường đại học hàng đầu về nghiên cứu ở Đông Nam Á vào năm 2030, là mô hình đại học kiểu mẫu của Việt Nam thông qua sự kết hợp các tri thức cơ bản với giáo dục thực tế, qua đó đào tạo nên những con người có khả năng, tạo dấu ấn mới, được vinh danh trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, mang tầm vóc quốc gia và quốc tế.

Với mục tiêu đó, Thủ tướng mong muốn ĐHCT sẽ tạo ra những con người xuất sắc trong xã hội, tài năng mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế; tạo ra môi trường cởi mở với không gian rộng lớn cho việc trao đổi học thuật; là nơi phát kiến các ý tưởng lớn, các nghiên cứu tầm cỡ, các sáng tạo đổi mới mang tính bước ngoặt; bảo đảm mỗi người đều được phát huy tiềm năng, giải phóng năng lực tiềm tàng.

Bên cạnh đó, ĐHCT cần không ngừng tìm kiếm, khai phá tri thức mới của nhân loại và tưởng thưởng xứng đáng cho năng lực và sự sáng tạo đổi mới.

Trường cần hướng tới sự khác biệt và suy nghĩ độc đáo; thúc đẩy sự hiểu biết và đa dạng về văn hóa. ĐHCT sẽ là một cộng đồng biết chia sẻ, biết hợp tác, bình đẳng và sự tôn trọng. Mục tiêu chiến lược nữa là ĐHCT tạo cơ hội và điều kiện tiếp cận cho bất cứ ai đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về mặt học thuật.

Thủ tướng “đặt hàng” Đại học Cần Thơ

Để bảo đảm chất lượng, Thủ tướng cho rằng ĐHCT phải dựa vào 3 trụ cột. Trước hết là sự cam kết của trường, từ hiệu trưởng đến mỗi giảng viên, nhân viên và đặc biệt là sinh viên. Thứ hai là sự công nhận của xã hội. “Đào tạo theo nhu cầu thị trường đang đặt ra gay gắt, anh không thể đào tạo cái anh có mà đào tạo cái xã hội đang cần hiện nay. Đây là câu hỏi lớn đang đặt ra với ĐHCT”, Thủ tướng nói. Và thứ ba là kiểm định chất lượng giáo dục.

Thủ tướng đề xuất ĐHCT nên làm đầu mối tổ chức các diễn đàn thường niên giáo dục đại học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và mở rộng ra hơn nữa. Diễn đàn này mỗi năm có một chủ đề về phát triển giáo dục đào tạo đại học.

Diễn đàn không chỉ có đại diện các trường đại học trong vùng tham gia mà còn là nơi quy tụ các chuyên gia giáo dục uy tín trong nước và quốc tế với vai trò cố vấn chiến lược cho sự phát triển của các trường đại học trong vùng.

“Tôi đề nghị bên cạnh bảo đảm chất lượng giảng dạy và học tập, ĐHCT cần có kế hoạch bảo đảm thu nhập và đời sống cho giảng viên, để giảng viên không phải lo “chạy sô” mà tập trung nghiên cứu cập nhật kiến thức. Cần xóa bỏ suy nghĩ bận giảng dạy, quên nghiên cứu”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng bày tỏ không ít giảng viên có khả năng, có tâm huyết nghiên cứu khoa học nhưng do khó khăn và nhu cầu cuộc sống nên không thể theo đuổi đam mê khoa học, phải dạy thêm nhiều giờ để có thu nhập, làm nhiều việc không phải sở trường hay sở thích, thậm chí đôi khi làm những việc trái với lương tâm cốt để kiếm sống. “Cần xem đây là vấn đề then chốt bởi nếu không thì những mục tiêu như đẳng cấp quốc tế hay những giá trị cao mà nhà trường đặt ra sẽ phi thực tế”, Thủ tướng lưu ý.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy trong bối cảnh hội nhập, trình độ giảng viên phải bắt kịp xu hướng và trình độ phát triển tri thức chuyên ngành của thế giới. Giảng viên phải có trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, đặc biệt là trình độ tiếng Anh và trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực giảng dạy nghiên cứu do các giảng viên phục trách.

Thủ tướng thăm Phòng Truyền thống của Đại học Cần Thơ. Ảnh: VGP
 Thủ tướng thăm Phòng Truyền thống của Đại học Cần Thơ. Ảnh: VGP

“Điều tôi xin nhắc lại là nhiều sinh viên ra trường không có khả năng thích ứng và hòa nhập được với thị trường lao động, một phần do năng lực của sinh viên yếu nhưng đằng sau đó là trách nhiệm của giảng viên, của những người thầy. Ta phải làm rõ trách nhiệm này để nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho rằng tinh thần giáo dục đại học phải chuyển từ cung cấp kiến thức mà ở đó vai trò của người thầy là trung tâm sang đề cao tính tự giác trong tư duy, trong sáng tạo của sinh viên. Đi liền với kiến thức chuyên môn, sinh viên ĐHCT phải có ước mơ, hoài bão xây dựng đất nước phát triển, nhất là phát triển KT-XH trong thời đại công nghiệp 4.0. Sinh viên ĐHCT không chỉ giải quyết việc làm mà còn là nhà khởi nghiệp. Đây là bài toán mà Thủ tướng đặt ra đối với một số trường đại học khi đến thăm như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Đà Nẵng...

Thủ tướng mong muốn ĐHCT là đại học khởi nghiệp, nghiên cứu, chứ không đơn thuần là đại học giải quyết việc làm. Sinh viên không chỉ là công dân toàn cầu mà còn mang bản sắc văn hóa Việt Nam, yêu quê hương đất nước. Vì vậy, sinh viên ĐHCT cần có ý thức giữ gìn truyền thống cha ông, trước hết là truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng, giữ gìn non sông bờ cõi. Trước mắt, sinh viên ĐHCT không để bị kẻ xấu lôi kéo, kích động trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến trật tự, an ninh đất nước.

Nhân dịp này, Thủ tướng “đặt hàng” ĐHCT một số việc. Đó là lọt vào nhóm trường đại học hàng đầu khu vực châu Á vào năm 2020, chậm nhất là 2025, thời gian đó đứng trong TOP 1.000 của thế giới.

ĐHCT cần tăng gấp đôi số đầu báo quốc tế trong 5 năm tới. Trường tự đưa ra cam kết về số lượng bằng xác minh, sáng chế trong 5 năm tới; cam kết về số dự án khởi nghiệp của cả sinh viên và của giảng viên, tự đưa ra cam kết về số đề tài, công nghệ chuyển giao thành công cho doanh nghiệp.

Thủ tướng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn với lãnh đạo Đại học Cần Thơ. Ảnh: VGP
 Thủ tướng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn với lãnh đạo Đại học Cần Thơ. Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng mong muốn, ĐHCT là cơ sở nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đưa ra chính sách nhưng hơn ai hết, những sinh viên, giảng viên trong trường chính là một cơ quan nghiên cứu thực hiện Nghị quyết với những sáng kiến về lý luận, thực tiễn để đề xuất với Thủ tướng và các bộ ngành.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.