Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH TP HCM |
Tháng 12/2017, chính phủ Australia hợp tác cùng chính phủ Việt Nam thành lập Ban tư vấn đào tạo ngành Logistics nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục.
Liên quan đến mục tiêu, lộ trình thực hiện mô hình giáo dục nghề nghiệp có sự dẫn dắt của doanh nghiệp làm trung tâm trong ngành Logistics, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ thông tin với báo GD&TĐ.
* Xin ông cho biết thông qua các con số cụ thể và tại các hội chợ việc làm do Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông có đánh giá như thế nào về nhu cầu lao động Logistics tại TP Hồ Chí Minh hiện nay?
- Hiện nay ở TP HCM có khoảng 40 bến cảng, 88 cầu cảng, tổng nguồn nhân lực của TP Hồ Chí Minh về nhu cầu nguồn nhân lực để phục vụ cho ngành Logistics là gần 350.000 người. Trong khi đó, với 2 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp đào tạo ngành Logistics, số lượng sinh viên ra trường khoảng 2.600 sinh viên/năm. Ngoài ra còn có 2 doanh nghiệp cũng có đào tạo về Logistics.
Theo dự báo, nếu hàng năm tăng từ 7,5 – 10%, tính đến năm 2020, nhu cầu nhân lực ngành Logistics ở TP HCM cần khoảng 170.000 – 180.000 lao động. Cho thấy nguồn cung từ các trường trường còn rất ít so với nhu cầu ngành Logistics.
Với góc độ là người quản lý giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP HCM, qua Chương trình Aus4skills, chúng tôi đang triển khai ở các hệ thống trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn nếu có khả năng thì họ sẽ mở ngành cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực Logistics trong giai đoạn 2018 – 2020. Hiện có 2 trường đang làm thủ tục xin phép ở Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) để mở ngành Logistics.
Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi trong giờ học |
* Được biết, nếu nói về thiếu nguồn nhân lực thì có rất nhiều ngành thiếu. Vậy đâu là lý do khiến Sở LĐ-TB&XH TP HCM lựa chọn ngành Logistics để thực hiện mô hình giáo dục nghề nghiệp có sự dẫn dắt của doanh nghiệp làm trung tâm? Và TP HCM đặt mục tiêu cụ thể như thế nào khi mình triển khai mô hình này?
- Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp nghe báo cáo về lĩnh vực Logistics cho Việt Nam. Trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, ngành Logistics được đặc biệt quan tâm phát triển.
Hiện tổng số doanh nghiệp làm về ngành Logistics ở Việt Nam là hơn 3.000, trong đó TP HCM chiếm khoảng 10 – 15% con số này, cho thấy tốc độ phát triển vận tải Logistics ở TP HCM rất cao, theo đó, nhu cầu đòi hỏi nguồn nhân lực đáp ứng cho ngành này theo hướng phục vụ cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cần phải được quan tâm đặc biệt.
TP HCM chú trọng công tác chuẩn bị chương trình, giáo trình, giáo án, tuyển sinh quảng bá và đặc biệt quan tâm phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành Logistics để dự báo nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ những năm kế tiếp làm cơ sở để đào tạo theo nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp Logistics trên địa bàn thành phố cùng các tỉnh thành lân cận.
* Được biết mỗi doanh nghiệp đều có yêu cầu khi tham gia vào mô hình này, hướng tới đào tạo theo nhu cầu của từng doanh nghiệp chứ không chỉ riêng về mặt số lượng. TP HCM triển khai như thế nào để đáp ứng được nhu cầu này của doanh nghiệp?
- Hiện nay chủ trương của công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP HCM nói chung là liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, không riêng ngành Logistics. Rất nhiều ngành nghề chúng tôi chủ trương học lý thuyết chiếm khoảng 30 – 40%, 60 – 70% gắn kết với doanh nghiệp để sinh viên khi ra trường tiếp cận được với công việc, làm việc được ngay. Đó là chủ trương chung trong giáo dục nghề nghiệp trong năm nay và những năm tiếp theo.
Đối với ngành Logistics chúng tôi đặt nặng việc này bởi đây là ngành đặc thù. Việc học của các sinh viên và tiếp cận công việc thực tế ở các bến cảng, công ty vận tải… đòi hỏi phải có kiến thức thực tế mới đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài trang bị lý thuyết cơ bản hiểu biết về ngành Logistics, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới kỹ năng làm việc trong ngành Logistics. Bên cạnh đó, chúng tôi đào tạo thêm các kỹ năng mềm như an toàn lao động, ngoại ngữ, các hệ thống thiết bị về CNTT để phục vụ cho việc đáp ứng hiện đại hóa các doanh nghiệp để đầu tư cho ngành Logistics trong thời gian tới đây.