Thủ tướng: Bí quyết về con người, công nghệ chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Liên minh Đổi mới Sáng tạo Phát triển Quốc tế (IDIA) tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”.

Thủ tướng: Bí quyết về con người, công nghệ chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt

Hội nghị nhằm làm rõ vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như là một trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khuyến nghị những giải pháp, chính sách cụ thể cho Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị cùng với các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đối tác quốc tế.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Tạo bước chuyển đổi thúc đẩy phát triển

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Liên minh Đổi mới Sáng tạo Phát triển Quốc tế lần đầu tiên tổ chức hội nghị tại Việt Nam về chủ đề rất quan trọng “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”. Thủ tướng ghi nhận kết quả hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Ngân hàng Thế giới đã nghiên cứu công phu, xây dựng các báo cáo chất lượng về tương lai kinh tế số của Việt Nam và đặc biệt là báo cáo Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2035, đưa đánh giá và những khuyến nghị, giải pháp, chính sách cụ thể rất hữu ích cho Việt Nam trong tiến trình hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới và xa hơn nữa.

Thủ tướng nêu rõ: Các mô hình tăng trưởng tân cổ điển đều chú trọng vai trò của tích lũy vốn và lao động đối với tăng trưởng. Trong các thời kỳ trước đây, con người chủ yếu khai thác các tài nguyên tự nhiên để tạo ra tăng trưởng và phục vụ con người. Tuy nhiên, tài nguyên tự nhiên luôn có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) chứng minh rằng, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới là yếu tố quyết định tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để Việt Nam đột phá, vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình. Điều đó cho thấy, bí quyết về con người, công nghệ chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt.

Nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy, nhưng tài nguyên vô tận chính là chất xám, là sự sáng tạo của con người. Nếu tài nguyên tự nhiên càng khai thác càng cạn kiệt thì tài nguyên sáng tạo của con người càng khai thác sẽ càng sinh sôi nảy nở. Trong doanh nghiệp hay bất kỳ tổ chức nào, không phải máy móc thiết bị, không phải nguyên vật liệu mà chính sự sáng tạo của con người mới là vốn quý giá nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tiễn để thấy rằng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập như: Nhận thức của các cấp, ngành và địa phương về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện; Hành lang pháp lý và cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ; Năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn non trẻ, manh mún.

Bên cạnh đó, hoạt động đổi mới sáng tạo và năng lực Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong khu vực kinh doanh còn khiêm tốn, trường hợp có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao; thiếu sự kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực kinh doanh. Các doanh nghiệp cần hiểu rằng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển là con đường “ngắn nhất” để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Thời gian tới, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh. Đồng thời, xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa nhà nước và xã hội trong phát triển khoa học và công nghệ, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối, phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ 5 vấn đề: Chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo; Phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo, gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của nền kinh tế; Thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước; Xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo và hoàn thiện thể chế cho các hoạt động đổi mới sáng tạo; Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin.

Chú thích ảnh

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Khoa học công nghệ đồng hành và thúc đẩy phát triển

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Việt Nam luôn xác định khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để đưa khoa học và công nghệ không chỉ gắn mà thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm, đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được củng cố. Thị trường khoa học và công nghệ bước đầu gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Theo đánh giá của Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, xếp thứ 28). 

Tuy nhiên, để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học và công nghệ với pháp luật liên quan; cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định: Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai hoạt động hợp tác với các quốc gia có nhiều kinh nghiệm phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo như: Israel, Canada, Phần Lan, Vương quốc Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… để từng bước hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của các ngành chủ chốt ở Việt Nam. Với tác động rộng lớn của cuộc cách mạng công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tăng cường năng lực, thúc đẩy hợp tác với các nước và các tổ chức công nghệ hàng đầu để có thể đóng góp hiệu quả cho việc chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam sang nền kinh tế dựa trên công nghệ.

Tăng cường hỗ trợ đổi mới sáng tạo

Tại hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Craig Chittick cho biết: Việt Nam và Australia có chung hoài bão phát triển kinh tế thông qua việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đây là nền tảng vững chắc làm cơ sở cho quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo giữa hai nước. Australia cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để chia sẻ tri thức, chuyên môn và các mô hình thành công mình, giúp tăng cường hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Bà Alexis Bonell, Giám đốc Đổi mới sáng tạo của USAID cho biết: Khi Việt Nam tiếp tục hành trình 30 năm phát triển vượt bậc để trở thành một trong những quốc gia năng động nhất ở khu vực Đông Á, việc phối hợp cùng nhau giữa các bên liên quan gồm Chính phủ, các chủ thể khu vực tư nhân và các cơ quan phát triển trở nên vô cùng thiết yếu giúp tối đa hóa các tác động tích cực của các tiến bộ công nghệ, đồng thời giảm thiểu những tác động bất lợi.

Theo Baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ