Thủ tục hành chính “đào xới” nỗi đau gia đình 8 bệnh nhân thiệt mạng vì chạy thận

GD&TĐ - Hơn nửa năm qua, sau sự cố chạy thận ngày 29/5/2017 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 8 người thiệt mạng, nỗi đau của gia đình các nạn nhân chưa nguôi ngoai vì vẫn không nhận được tiền đền bù. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong chi trả tiền đền bù cho gia đình các nạn nhân.

Ông Lê Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Y tế, kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tại buổi làm việc.
Ông Lê Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Y tế, kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tại buổi làm việc.

Sau sự cố xảy ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ bước đầu cho mỗi gia đình có người bệnh tử vong 20 triệu đồng mai táng phí. Ba tháng sau, bệnh viện mới có buổi làm việc chính thức với gia đình các nạn nhân để thỏa thuận về mức bồi thường dân sự.

Ngày 15/9, bệnh viện tổ chức họp với đại diện các gia đình các nạn nhân. Đến ngày 18/9, các gia đình nộp danh sách hàng thừa kế thứ nhất và bảng liệt kê chi phí mai táng hợp pháp để bệnh viện họp thống nhất đưa ra mức dự kiến đền bù.

Sau cuộc họp thỏa thuận lần 2, bệnh viện đưa ra mức tiền đền bù cho 8 gia đình dự kiến khoảng 1 tỷ 270 triệu đồng. Trong đó, hai bên thống nhất  tiền tổn thất tinh thần tăng thêm 5 tháng lương cơ bản/ người, tiền quan tài bình quân 8,5 triệu đồng. Các gia đình nạn nhân đã cung cấp bảng tổng hợp nội dung chi phí phục vụ cho việc mai táng, kèm theo chứng từ là giấy biên nhận, mua bán viết tay, hóa đơn bán lẻ.

Tuy nhiên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã không chấp nhận thanh toán cho gia đình các nạn nhân, với lý do không có hóa đơn đỏ. Bà Nguyễn Thị Thu, là mẹ của nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng nói: Trước đó, bệnh nhân chạy thận với các bác sỹ bệnh viện coi nhau như người nhà. Tuy nhiên, sau khi sự việc xảy ra thì cách hành xử của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là không được. Bà Thu cho biết: “Các gia đình cũng chỉ mong muốn cho xong đi, cho nguôi ngoai. Bệnh viện yêu cầu hóa đơn đỏ thì chúng tôi lấy đâu ra, khi đám ma chỗ này, chỗ kia mỗi người làm giúp một tý thì lấy đâu ra hóa đơn đỏ”.  

Sau nhiều lần họp thỏa thuận nhưng không thể đi đến sự đồng nhất, riêng khoản mai táng phí Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết sẽ tìm hiểu thêm về cơ chế tài chính trong việc thanh quyết toán rồi sẽ thống nhất lại với các gia đình nạn nhân.

Theo bà Đinh Thị Tới, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình: “Bệnh viện cũng làm hết sức, nguồn chi ở quỹ đấy chỉ có hơn 100 triệu trong quỹ, khi hỏi các cơ quan liên quan ở tỉnh không trả lời bằng văn bản chỉ trả lời bằng miệng là không quyết toán được”. 

Đến nay việc đền bù, hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân vẫn chưa được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thực hiện, trong đó khó khăn nhất là về thủ tục hành chính thanh quyết toán theo quy định của ngành tài chính, liên quan đến hóa đơn đỏ.

Trong lúc chờ đợi xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên về thủ tục thanh toán, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đề nghị tạm ứng trước mỗi gia đình 50 triệu đồng để giải quyết công việc trước mắt, nhưng các gia đình không đồng ý. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, ở phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình có mẹ bị thiệt mạng trong sự cố chạy thận cho biết: “ông Trương Quý Dương, giám đốc bệnh viện cũ, các gia đình rất bức xúc, lúc đương chức  ông là người phải chịu trách nhiệm nhưng vẫn đi chơi nước ngoài, trong khi các gia đình chúng tôi không được một lần hỏi thăm, chia buồn”.

Còn theo ông Phạm Ngọc Thạo, ở tổ 13, phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình, người nhà nạn nhân nói với chúng tôi: “Nguyện vọng của bà con là cũng chỉ muốn thỏa thuận chứ không muốn đưa ra tòa cố gắng giữ tình cảm, nhưng đến giờ phút cuối bệnh viện trả lời như thế chúng tôi thấy rất hụt hẫng”.

Đến thời điểm hiện nay, do việc thương lượng giải quyết bồi thường dân sự khó thực hiện, nên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ về bồi thường dân sự sang cơ quan pháp luật để giải quyết.

Ông Lê Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Y tế, kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết: Để thực hiện nghĩa vụ, bệnh viện cùng hai đơn vị liên quan là Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn và Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh đã thống nhất chuyển 710 triệu đồng sang Công an tỉnh Hòa Bình nhờ thực hiện việc đền bù với 8 gia đình nạn nhân.

Ông Lê Xuân Hoàng cho rằng “Bệnh viện xác định trách nhiệm đền bù dân sự, nhưng có nhiều cái khó do các điều khoản các bên không thống nhất, đồng tiền bệnh viện xuất ra phải có căn cứ, bệnh viện cũng lúng túng khi xử lý. Bệnh viện nguồn lực cũng hạn chế nhưng chúng tôi có thể kêu gọi anh em trong ngành hỗ trợ. Khi tòa tuyên bao nhiêu thì chúng tôi coi như là chứng từ để sau này quyết toán”.

Nửa năm qua, nỗi đau của gia đình 8 nạn nhân thiệt mạng vì chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vẫn chưa thể nguôi ngoai bởi họ đang phải đeo đuổi đấu tranh vì quyền lợi của mình. Nỗi đau của gia đình các nạn nhân lẽ ra đã được nguôi ngoai theo thời gian thì nay vẫn lại phải đem ra “xới xáo” bởi việc giải quyết những hậu quả của sự vụ không dứt điểm được do những thủ tục hành chính sẽ làm cho vụ việc còn ồn ào, bức xúc. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.
Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

GD&TĐ - An ninh trật tự Haiti liên tục phải chịu những biến cố, từ vụ ám sát tổng thống đến động đất và tình trạng bạo lực từ các băng đảng.
Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.