Thứ trưởng Ngô Thị Minh làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về công tác giáo dục

GD&TĐ - Chiều 28/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về công tác giáo dục.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’ Yim Kđoh phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’ Yim Kđoh phát biểu tại buổi làm việc.

Nội dung làm việc tập trung vào các vấn đề: Tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác giáo dục mầm non; giáo dục dân tộc; giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên; giáo dục thể chất, thể thao và y tế trường học; thi đua khen thưởng ngành giáo dục.

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác giáo dục
Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác giáo dục 

Tham dự có lãnh đạo các Vụ thuộc Bộ GD&ĐT: Thi đua khen thưởng; Giáo dục dân tộc; GD thể chất; GD mầm non; GD chính trị và công tác HSSV.

Tiếp và làm việc với đoàn có bà H’ Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối học kỳ I năm học 2020-2021, toàn tỉnh Đắk Lắk có 1.025 trường, 15.756 lớp, nhóm lớp từ mầm non đến trung học phổ thông.

Hệ thống các trường ngoài công lập phát triển mạnh, có 92 trường ngoài công lập, tăng 6 trường so với cùng kỳ năm học trước, gồm 82 trường mầm non, 6 trường tiểu học, 4 trường THPT (trong đó có 3 trường nhiều cấp học); có 469.969 học sinh, trong đó 166.354 học sinh dân tộc thiểu số (chiếm 35,4%).

Về đội ngũ, từ mầm non đến THPT có 34.996 người, trong đó có 2.402 cán bộ quản lý (CBQL), 27.525 giáo viên (GV), 5.069 nhân viên (NV), trong đó 100% CBQL, GV đều đạt chuẩn trình độ đào tạo; có 67,57% đạt trên chuẩn trình độ đào tạo; có 12 tiến sỹ, trên 800 thạc sỹ.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ GD Dân tộc trao đổi các vấn đề về thực hiện chính sách GD dân tộc
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ GD Dân tộc trao đổi các vấn đề về thực hiện chính sách GD dân tộc

Về thực hiện chính sách đặc thù trong giáo dục dân tộc, đến nay, toàn tỉnh có 283/333 trường với 30.835 trẻ mẫu giáo được hỗ trợ ăn trưa. Có 251 GV dạy lớp mẫu giáo ghép được hỗ trợ với kinh phí; 462 GV được hỗ trợ chính sách dạy tăng cường tiếng Việt... Hàng năm, tỉnh đã hỗ trợ học bổng và chi phí học tập cho từ 70 đến 100 em sinh viên (diện cử tuyển) với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng/năm…

Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh, thời gian qua, dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, dịch bạch hầu, thiên tai, tuy nhiên ngành GD tỉnh đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt chuyển đổi trạng thái từ “dạy học trực tiếp” sang kết hợp “dạy học trực tuyến, dạy học theo hình thức giao bài tại nhà …”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa phát biểu cảm ơn những ý kiến đóng góp của đoàn công tác Bộ GD-ĐT
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa phát biểu cảm ơn những ý kiến đóng góp của đoàn công tác Bộ GD-ĐT

Điều đó đã mang lại những kết quả, thành tích tích cực. Chất lượng giáo dục mũi nhọn và các phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, dạy và học” tiếp tục được duy trì thường xuyên.

Đắk Lắk tiếp tục giữ vững thành tích 4 năm liền dẫn đầu các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên về thành tích học sinh giỏi quốc gia THPT. Trong đó, có 2 dự án đạt giải Nhất tại “Cuộc thi khởi nghiệp quốc gia năm 2020” và “Cuộc thi khoa học kỹ thuật năm học 2020-2021; lần thứ 3 có học sinh lọt vào Chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia …

Đại diện Sở Nội vụ Đắk Lắk trao đổi về công tác tổ chức, biên chế viên chức ngành GD-ĐT tại buổi làm việc
Đại diện Sở Nội vụ Đắk Lắk trao đổi về công tác tổ chức, biên chế viên chức ngành GD-ĐT tại buổi làm việc

Trao đổi với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, đại diện các sở ngành cũng như UBND tỉnh Đắk Lắk đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc về điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Đó là, địa bàn rộng, quy mô dân số tăng nhanh, di cư tự do ngoài kế hoạch vẫn còn diễn ra, hệ thống hạ tầng phục vụ dạy – học xuống cấp và thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, các chính sách về tinh giản biên chế; quy định về bố trí không quá 2 cấp phó đối với cơ sở GD… cũng ảnh hưởng đến việc bố trí, sắp xếp và tuyển dụng bổ sung giáo viên cho các cấp học, nhất là cấp mầm non.

“Vấn đề biên chế cho ngành GD là hết sức khó khăn, toàn ngành đang thực hiện giảm biên chế theo quy định. Tuy nhiên, với ngành GD mầm non, tỉnh thực hiện ưu tiên không tinh giản 10% theo quy định bởi hiện tỷ lệ biên chế giáo viên/ lớp đối với cấp học này thấp hơn rất nhiều so với quy định, hiện mới chỉ đạt 1,7 GV/ lớp so với quy định là 2,2 GV/ lớp.

Trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ ưu tiên số biên chế của các đơn vị nghiệp thuộc UBND các huyện để bổ sung biên chế giáo viên mầm non, nhằm bảo đảm có trường lớp, có học sinh - phải có giáo viên, đồng thời đáp ứng yêu cầu giáo dục, chăm sóc trẻ”- đại diện Sở Nội vụ Đắk Lắk chia sẻ.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu kết luận buổi làm việc
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, bà H’ Yim cảm ơn sự quan tâm của Bộ GD-ĐT, đồng thời tiếp thu những kiến giải của Thứ trưởng và đoàn công tác của Bộ về 5 lĩnh vực được kiểm tra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Đắk Lắk luôn sẵn sàng các phương án để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Triển khai việc lựa chọn SGK theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trên cơ sở bám sát điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, cũng mong muốn Bộ có phương án để việc lựa chọn nhẹ nhàng hơn. Nên chọn 1 hoặc ít bộ sách nhất để con em của Đắk Lắk vừa đảm bảo tính liên tục của chương trình khi chuyển trường trong quá trình học hay trong 1 gia đình - em có thể học lại sách của anh chị đi trước.

Đối với các bộ sách được báo chí nêu là “có sạn” thì Bộ nên có hướng dẫn, chỉ đạo như thế nào để bảo đảm tính thống nhất và phụ huynh yên tâm. Riêng nội dung báo chí phản ánh về sai sót trong SGK lớp 3 (chương trình phổ thông hiện hành –PV) về lễ hội đua voi ở Đắk Lắk, đề nghị Bộ cho dừng ngay việc dạy bài học này.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị, tỉnh Đắk Lắk cần tập trung chỉ đạo ngành GD-ĐT triển khai công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 một cách khoa học. Chủ động và có nhiều phương án dự phòng dạy học cho tình hình dịch bệnh, thiên tai để bảo đảm an toàn. Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương cũng như quy định của Bộ GD-ĐT.

Làm tốt công tác thi đua khen thưởng. Chú ý, khen thưởng phải kịp thời, đúng đối tượng, ưu tiên khen thưởng người trực tiếp thực hiện các phong trào thi đua ở cấp cơ sở, nhằm bảo đảm sự lan tỏa trong xã hội. Ưu tiên xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, giao tự chủ cho một số trường công lập.

Nâng cao chất lượng xã hội hóa trong giáo dục, trong đó cần chú ý ưu tiên tuyển sinh cho các trường tư thục nhằm bảo đảm sự công bằng giữa hệ thống các trường công lập và ngoài công lập.

Thứ trưởng cũng yêu cầu ngành GD-ĐT tỉnh tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống bạo lực học đường. Phát triển phong trào khởi nghiệp gắn với quá trình số hóa và phân luồng học sinh một cách khoa học, sát thực tế. Tập trung tăng cường công tác truyền thông để lan tỏa những kết quả, thành tích, việc làm tốt của toàn ngành đến với xã hội.

“Đối với các trường dân tộc nội trú, do các em ở nội trú 24/24, các trường có thể lồng ghép thành chương trình GD trải nghiệm bằng cánh bố trí, sắp xếp các em thành tổ, đội xung kích. Hỗ trợ cán bộ cấp dưỡng trong 1 số khâu của quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng chính các em, nhằm giảm bớt kinh phí từ ngân sách và gánh nặng cho nhà giáo, người cấp dưỡng”- Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ