Cần đầu tư hơn 700 phòng học
Báo cáo từ ngành GD&ĐT Quảng Trị cho biết: Trong những năm qua, UBND huyện Hướng Hoá đã tập trung kinh phí, đầu tư ngân sách và lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia, kêu gọi các nguồn lực phi chính phủ, các tổ chức, các cá nhân để xây dựng trường chuẩn quốc gia, tiếp tục xoá các phòng học tạm, mượn và hỗ trợ dụng cụ cho học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã tăng cường hằng năm, toàn huyện hiện có 853 phòng học, trong đó kiên cố có 414 phòng, bán kiên cố 432 phòng.
Từ năm 2016 đến nay, đã đầu tư xây dựng mới 265 phòng (bao gồm: phòng học văn hoá, phòng học bộ môn, phòng ở cho học sinh, nhà hiệu bộ); với tổng kinh phí hơn 140 tỷ đồng (ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh, huyện và các tổ chức phi chính phủ). Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Hướng Hoá vẫn còn 713 phòng học cần đầu tư xây dựng với tổng số tiền hơn 586 tỷ đồng.
Để đảm bảo cơ sở vật chất, đặc biệt là đủ phòng học để dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tập trung đầu tư cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện còn thiếu, cụ thể: 89 phòng chăm sóc, giáo dục nầm non, 117 phòng học văn hoá tiểu học, 93 phòng học văn hoá THCS và hệ thống phòng học bộ môn, phòng học chức năng theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Chuơng trình mục tiêu Quốc gia về đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị trường học để các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước đầu tư xây dựng với quy mô hoàn thiện, đầy đủ nhằm bảo đảm chuẩn cơ sở theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và niềm núi giai đoạn 2021–2030.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách hỗ trợ cho các trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn, con em đồng bào dân tộc thiểu số được có đủ bộ sách giáo khoa các lớp theo lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018.
Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, qua khảo sát thực tế và nghe báo cáo từ UBND Hướng Hóa, có thể thấy đây là địa phương đặc biệt khó khăn, hằng năm nơi đây lại phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề từ mưa lũ. Bởi vậy, cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học thiếu thốn rất nhiều. Tuy nhiên, nên khảo sát thật kỹ, qua đó xét thấy cái gì cần đầu tư trước thì làm trước.
Chẳng hạn ngôi trường đó thiếu phòng học thì cần phải lên kế hoạch đầu tư xây dựng phòng học để các em không phải học lớp tạm bợ, học nhờ nhà văn hoá; nhà vệ sinh hư hỏng nghiêm trọng thì cần phải sửa chữa kịp thời. Chứ nghe qua con số báo cáo của huyện là cần gần 600 tỷ đồng để đầu tư xây dựng phòng học là rất lớn, cần phải có sự chung tay góp sức của toàn thể xã hội; còn khả năng của Bộ và công đoàn ngành là không thể gánh nổi.
Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng cho biết, thời gian gần đây Công đoàn ngành đã tích cực phối hợp với Báo GD&TĐ và các nhà tài trợ khắp mọi miền đất nước xây dựng nhiều công trình phòng học, nhà vệ sinh, nhà bán trú, nội trú, đầu tư các trang thiết bị giảng dạy ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Tham dự buổi làm việc, bà Dương Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo GD&TĐ cho biết, Báo GD&TĐ luôn đồng hành và chia sẻ với cơ sở giáo dục địa phương và Báo cam kết sẽ tiếp tục huy động, kết nối tốt nhất với các doanh nghiệp trong toàn quốc.
Bên cạnh đó, các địa phương, đặc biệt là Quảng Trị phải làm tốt hơn nữa công tác truyền thông với chiến lược bài bản, dài hơi để kêu gọi nguồn lực và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, đơn vị khi đồng hành cùng ngành giáo dục Quảng Trị. Tới đây sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn đồng hành với Báo kết nối và đầu tư ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Quảng Trị, bởi vậy mong tỉnh tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư cho ngành giáo dục của tỉnh.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: “Kết nối nguồn lực, đầu tư xây dựng trường học an toàn, thân thiện là phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không nên dàn trải”.
Cũng theo Thứ trưởng, qua kiểm tra, khảo sát hôm nay, phải nói rằng cơ sở vật chất tại nhiều trường trên địa bàn huyện Hướng Hoá chưa thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa mới và có thể nói chưa đạt được yêu cầu tối thiểu. Trường học thì xập xệ, xuống cấp, nhà vệ sinh hư hỏng nghiêm trọng. Thêm nữa đường sá đi lại cực kỳ khó khăn, cách trở.
"Sau cuộc làm việc này, tôi nghĩ rằng, UBND tỉnh Quảng Trị cần tập trung chỉ đạo, phối hợp sâu hơn nữa với Bộ GD&ĐT, đồng thời Bộ cũng thấy được trách nhiệm và sẽ đồng hành với tỉnh Quảng Trị nhằm kết nối nguồn lực từ các tổ chức, xã hội để triển khai. Mục tiêu đặt ra là xây dựng trường học an toàn, thân thiện nhằm đáp ứng các tiêu chí theo Nghị định 80 của Chính phủ" - Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
Cũng trong chiều 12/3, trong khuôn khổ Chương trình “Điều ước cho em”, đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo GD&TĐ cùng các đơn vị tài trợ đã đến khảo sát và tặng quà tại các điểm trường vùng biên giới huyện Hướng Hoá.Tại Trường Tiểu học Thuận, đoàn công tác Bộ GD&ĐT đã trao 50 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cùng 50 chăn ấm và 50 bộ đồng phục hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Thuận và các xã lân cận; trao 10 suất quà cho các cán bộ, giáo viên.
Cùng với đó đoàn đã trao 3 bộ máy tính và 5 ti vi cho các trường trên địa bàn huyện Hướng Hoá để phục vụ cho công tác quản lý và dạy học.
Ngoài ra, các đơn vị tài trợ đồng hành cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã trao tặng nhiều phần quà có ý nghĩa đến các em học sinh của các trường học trên địa bàn các xã vùng biên.
Trước sự quan tâm, chia sẻ của đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Bộ GD&ĐT; Thứ trưởng Ngô Thị Minh; Báo GD&TĐ; và các doanh nghiệp tài trợ.
"Đặc biệt, chúng tôi rất vui mừng vì huyện Hướng Hóa là đơn vị được Bộ cũng như tỉnh chọn nơi làm điểm để thực hiện Chương trình "Điều ước cho em" - kết nối xây dựng trường học an toàn, thân thiện. Đây là chương trình rất ý nghĩa và đầy thiết thực. Tôi hy vọng rằng, tới đây khi chương trình triển khai, sẽ có nhiều cơ sở vật chất, trường lớp được đầu tư xây dựng đạt chuẩn; hoạt động môi trường giáo dục; công tác phòng, chống bạo lực học đường được đầu tư đúng mức. Từ đó, giúp ngành giáo dục huyện ngày một phát triển mạnh mẽ hơn" - ông Nguyễn Văn Đức nói.