Thứ trưởng Bùi Văn Ga:Bộ GD&ĐT luôn tạo cơ chế khuyến khích phân luồng học sinh

Thứ trưởng Bùi Văn Ga:Bộ GD&ĐT luôn tạo cơ chế khuyến khích phân luồng học sinh

(GD&TĐ) - Bộ GD&ĐT đang tiến hành khảo sát để tìm hiểu nguyên nhân hạn chế của công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Qua đó, xác định những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phân luồng. Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga xung quanh vấn đề này.

Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về công tác phân luồng học sinh sau THCS hiện nay?

- Phân luồng học sinh (HS) sau THCS vào học nghề và TCCN là một khâu quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của hệ thống giáo dục và đào tạo. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 có ít nhất 30% HS sau tốt nghiệp THCS theo học tại các có sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, công tác này hiện còn nhiều điều phải bàn. Trong thực tế, việc phân luồng chưa hiệu quả, HS đổ dồn học lên cao trong khi năng lực bản thân không phù hợp, gây quá tải cho hệ đào tạo CĐ, ĐH. Trong khi đó các trường nghề, trường TCCN lại không tuyển đủ người học. 

Để phân luồng hiệu quả thì hệ thống trường nghề cũng cần đáp ứng được nhu cầu người học
Để phân luồng hiệu quả thì hệ thống trường nghề cũng cần đáp ứng được nhu cầu người học

Việc phân luồng chưa hiệu quả nên hiện rất nhiều HS học TCCN đáng lẽ chỉ cần có bằng THCS là đủ, nhưng các em lại đi đường vòng, tốt nghiệp THPT rồi mới quay lại học TCCN, gây lãng phí thời gian, tiền bạc một cách không cần thiết.

Bởi vậy, việc phân luồng ngay từ bậc THCS rất quan trọng. Phân luồng tốt cũng giúp HS nhìn nhận rõ năng lực của mình, từ đó có hướng đi phù hợp, đồng thời cũng tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống GD&ĐT.

Theo Thứ trưởng, để làm tốt công tác phân luồng, cần những yếu tố gì?

- Điều quan trọng nhất chính là việc tạo được cơ hội và điều kiện việc làm cho người tốt nghiệp. HS sẽ không quay lưng với hệ TCCN, hệ nghề nếu sau khi tốt nghiệp các hệ đào tạo này các em chắc chắn tìm được việc làm với mức lương phù hợp. Muốn thế, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với người sử dụng lao động. Đào tạo nghề là phải nhắm tới thị trường việc làm ở đầu ra. Hiện sự gắn kết này chưa thật sự được thiết lập khiến người lao động sau khi học xong không có việc làm phù hợp.

Học sinh phổ thông vùng núi phía Bắc học nghề may
Học sinh phổ thông vùng núi phía Bắc học nghề may

Chế độ lương, đãi ngộ đối với những người tốt nghiệp TCCN và học nghề còn rất bấp bênh, tương lai nghề nghiệp không rõ ràng khiến bản thân HS cũng như gia đình không mặn mà với việc rẽ sang học nghề sau THCS. 

Tâm lý của xã hội nói chung ai cũng muốn cho con mình học ĐH dù biết rằng khi học xong chưa chắc tìm được việc làm đã gây cản trở rất lớn đến công tác phân luồng học sinh sau THCS.

Thực tế sử dụng lao động hiện nay cũng gây ảnh hưởng không tốt đến việc phân luồng. Không ít cử nhân tốt nghiệp ĐH không tìm được việc làm, lại đi làm việc đơn giản của người công nhân. Việc sử dụng người chưa đúng vị trí, đúng ngành nghề và trình độ đào tạo đã gây ảnh hưởng đến thị trường việc làm của người tốt nghiệp hệ nghề. 

Tóm lại, để triển khai công tác phân luồng hiệu quả, cần sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là người sử dụng lao động. Phân luồng HS sau THCS cần có định hướng từ cơ quan quản lý Nhà nước, từ T.Ư đến địa phương để phù hợp với nhu cầu chung và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu nguồn nhân lực từng vùng miền.

Trong lúc chờ đợi sự đồng bộ hóa từ tất cả các cấp, ngành thì ngành GD chú trọng đến những biện pháp gì để đẩy mạnh công tác phân luồng sau THCS trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?

Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức Hội nghị phân luồng học sinh nhằm xây dựng giải pháp cụ thể thực hiện nhiệm vụ này. Để chuẩn bị cho hội nghị, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các Sở GD&ĐT báo cáo tình hình học sinh sau THCS trên địa bàn; những khó khăn và thuận lợi trong công tác phân luồng học sinh của địa phương; kế hoạch của địa phương về việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS… Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Sở đưa ra những kiến nghị và đề xuất cụ thể về công tác phân luồng học sinh.

- Từ lâu đã tồn tại hệ TCCN song song với hệ THPT. Bộ GD&ĐT luôn khuyến khích, động viên các em HS tùy theo năng lực, nếu phù hợp nên “tách nhánh” theo học nghề sau THCS. Công tác hướng nghiệp cho HS cũng được làm thường xuyên trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, trong các mùa tư vấn tuyển sinh để giúp các em có thể lựa chọn hướng đi phù hợp nhất. 

Hiện tại qui hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là tài liệu rất quan trọng để Bộ điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học. Chỉ tiêu đào tạo ở bậc CĐ, ĐH cũng sẽ được khống chế phù hợp với qui hoạch phát triển nhân lực và đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì vậy qui mô đào tạo cao đẳng, đại học sẽ không tăng mạnh như những năm trước đây. Hệ đào tạo TCCN về hệ nghề sẽ là sự lựa chọn của một bộ phận đáng kể HS tốt nghiệp THPT hoặc là sự lựa chọn ngay từ đầu của học sinh tốt nghiệp THCS. 

Đặc biệt, để khuyến khích HS theo học TCCN hay hệ nghề, Bộ GD&ĐT đã tạo điều kiện cho những HS tốt nghiệp các hệ này được học liên thông lên các bậc học cao hơn khi cần thiết. Trong quá trình học liên thông, thời gian đào tạo của các em còn được rút ngắn. Đây là một giải pháp hiệu quả trong công tác phân luồng, tránh sự lãng phí trong quá trình đào tạo. 

Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi!

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Tóm lại, ngành Giáo dục luôn có khuyến khích và tạo cơ chế cần thiết để thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau THCS. Nhưng để thành công, việc phân luồng cần xuất phát từ chính người học, từ gia đình học sinh và từ xã hội. Sự thay đổi tâm lý của xã hội về nghề nghiệp theo hướng "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", ở bất kỳ vị trí nào, làm nghề gì mà thật tinh cũng đều được trọng dụng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Gia Hân (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ