Cải tiến quan trọng trong tuyển sinh ĐH, CĐ
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 kết thúc tốt đẹp cả về công tác tổ chức, đề thi, chấm thi... Với trên 1 triệu thí sinh dự thi năm nay, có trên 726.000 thí sinh thi ở cụm thi do trường đại học chủ trì. Những thí sinh này được đưa vào thống kê điểm để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ năm nay
Chỉ tiêu đại học năm nay khoảng 390.000, trong đó 50.000 chỉ tiêu thuộc gần 200 trường đại học có đề án tuyển sinh riêng (dựa trên kết quả học phổ thông). Tuy xét tuyển riêng nhưng các trường này vẫn phải có ngưỡng bảo đảm đầu vào (6,0 với đại học và 5,5 với cao đẳng). Do đó, hoàn toàn yên tâm về chất lượng đầu vào đại học.
Dựa vào kết quả thi tại các cụm thi ĐH, Bộ GD&ĐT đã phân tích các phương án khác nhau để đưa ra Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ xem xét.
Năm nay, chúng ta chỉ xác định 1 ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, không nhiều như mọi năm. Thí sinh dễ nhớ, các trường dễ xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp. Hội đồng đánh giá cao và coi đây là cải tiến quan trọng trong tuyển sih ĐH, CĐ năm nay.
- Thưa Thứ trưởng, tại sao các khối thi có kết quả thi khác nhau nhưng lại có điểm sàn giống nhau?
Mức 15 điểm đã thống kê hết tất cả các khối thi, tổ hợp, số thí sinh đạt trên ngưỡng này rất cao. Vì vậy, không có khó khăn đối với các trường trong xét tuyển. Mức 15 điểm là trung gian, phù hợp cho các trường xét tuyển. Quá nhiều mức sàn sẽ phức tạp, gây rối, không cần thiết
Điểm xét tuyển tối thiếu đã tính đến tính vùng miền
- Khi đưa ra mức điểm này, Bộ GD&ĐT có tính đến tính vùng miền, đảm bảo nguồn tuyển ở các trường ở các vùng khác nhau không, thưa Thứ trưởng?
Mức điểm 15 bảo đảm chất lượng đầu vào, có bảo đảm nguồn dôi dư nhất định không gây khó khăn cho các trường xét tuyển. Điểm này cũng đã tính đến sự dịch chuyển của thí sinh ở các vùng miền.
Như trước đây, thí sinh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM không dịch chuyển về các vùng như Đồng bằng song Cử Long, vùng miền núi Phía Bắc... Do đó, dù hệ số dôi dư nhiều nhưng các khu vực khó khăn vẫn thiếu nguồn tuyển. Năm nay, khi xác định ngưỡng dảm bảo chất lượng đầu vào cũng đã tính đến điều này.
- Liệu với ngưỡng 15 điểm có cao với thí sinh ở cùng khó khăn?
Với các thí sinh ở vùng khó khăn, mức điểm này cũng không cao vì các em đã được hưởng điểm ưu tiên. Thực tế trong xét tuyển các năm qua, những trường ở vùng này cũng không gặp khó khăn về nguồn tuyển.
Tổ hợp điểm khối D cao
- Thứ trưởng có nhận định như thế nào về điểm Tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay?
Năm nay có điểm khác biệt là Tiếng Anh là môn thi bắt buộc nên tất cả thí sinh đều thi môn học này, không phải chỉ có thí sinh khối D, do đó phổ điểm chung thấp đi.
Tuy nhiên, số thí sinh thi khối D đạt mức 20 điểm trở lên năm nay khá nhiều. So với chỉ tiêu khối D, lượng dôi dư lớn, không thấp hơn so với mọi năm. Cho thấy rằng, các thí sinh thi khối D đều đầu tư vào tiếng Anh tốt và đạt kết quả khá cao.
Ngoại ngữ là môn học rất cần thiết, đặc biệt cuối năm nay chúng ta mở cửa thị trường ASEAN. Chúng ta đã có Đề án dạy học Ngoại ngữ quốc gia 2020. Đề án đã đi đúng hướng, nhưng để thay đổi chất lượng dạy và học Ngoại ngữ thì cần có thời gian. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có thêm các giải pháp để cải thiện chất lượng dạy và học Ngoại ngữ.
Các trường cần cân nhắc điểm phù hợp
- Thứ trưởng có lưu ý gì với các trường xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia năm nay?
Từ 1/8, thí sinh sẽ nộp hồ sơ xét tuyển, vì vậy các trường sẽ công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ, tùy vào năng lực thu hút thí sinh của trường mình.
Các trường không nên sợ thiếu nguồn tuyển mà hạ điểm chuẩn, sẽ gây khó khăn cho thí sinh. Nguồn tuyển rất dồi dào vì vậy các trường phải trách nhiệm, cân nhắc điểm chuẩn phù hợp để tạo thuận lợi cho thí sinh trong xét tuyển.
Nếu điểm chuẩn quá thấp, thí sinh sẽ nộp vào nhiều, từ đó dễ gây đến tình trạng các em lại phải rút hồ sơ.
Thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin các trường khi nộp hồ sơ
- Vậy còn với các thí sinh, Thứ trưởng có lưu ý gì với các em để đạt hiệu quả cao nhất trong xét tuyển?
Để tránh may rủi, thí sinh phải thường xuyên theo dõi thông tin. Theo quy chế, các trường phải cập nhật thông tin xét tuyển 3 ngày 1 lần, thí sinh nên chú ý theo dõi để biết mình ở mức nào. Nếu thấy không có khả năng trúng tuyển thì rút hồ sơ sang trường phù hợp.
Nên nhớ, đợt 1 xét tuyển, các trường tuyển khoảng 70% chỉ tiêu. Các đợt sau chỉ còn khoảng 30% chỉ tiêu trong khi tỷ lệ hồ sơ ảo rất lớn. Vì vậy, phải tính toán để chọn đúng nguyện vọng 1, bảo đảm cơ hội để trúng tuyển cao nhất. Phải chọn trường đúng tầm, không nên chọn trường cao quá.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, Bộ GD&ĐT quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học năm 2015 là 15,0 điểm đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi (không nhân hệ số môn chính).
Với mức điểm này, có 531.182 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15,0 điểm. So với chỉ tiêu tuyển sinh đại học, số thí sinh này nhiều gấp 1,52 lần. Với mức ngưỡng tối thiểu này còn khoảng 27% thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ không đạt ngưỡng để xét tuyển vào các trường đại học.
Năm nay có đặc thù là tuyển sinh nhiều tổ hợp, có khoảng 15 tổ hợp phổ biến so với 5 khối truyền thống như mọi năm. Trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh, kết quả thi, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã tìm các giải pháp kỹ thuật để giảm tỷ lệ ảo. Do đó, lượng thí sinh dôi dư năm nay là lượng thật.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao đẳng là 12,0 điểm đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi (không nhân hệ số môn chính).