(GD&TĐ) - Sáng 13/5, tại Hà Nội, Ban tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 42 đã tổ chức Lễ trao giải và tuyên dương các cá nhân, tập thể xuất sắc.
Em Đào Thụy Thùy Dương phát biểu tại Lễ trao giải |
Đề tài UPU lần thứ 42 “Em hãy viết một bức thư để nói tại sao nước lại quý" được học sinh và các nhà trường đánh giá là “nóng”, thực sự gần gũi và bổ ích. Các em học sinh đã bám sát đề tài nên hầu như không có bài bị lạc đề. Chất lượng bài viết của các em khá đồng đều. Có nhiều bài chữ viết đẹp, trình bày công phu.
Chủ nhân lá thư đoạt giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 42 là em Đào Thụy Thùy Dương - Học sinh lớp 6/10, Trường THCS Tây Sơn (Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Em đã hóa thân vào Thủy Tinh viết thư cho Sơn Tinh.
Xem nội dung bức thư đoạt giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 42 của Việt Nam tại đây.
Sau những lập luận, em Dương đã kết thúc lá thư bằng một câu kết: “Chỉ cần loài người yêu quý ta như đã từng yêu quý mi và cùng chung tay quyết liệt hành động ngay từ bây giờ thì cuộc sống của họ sẽ bình yên và ta cũng chẳng còn lý do gì mà gây ra lũ lụt nữa”.
Được biết, tổng số bài dự thi năm nay là 1.245.088 bài. Những tỉnh có bài dự thi cao là những địa phương đã có truyền thống nhiều năm tổ chức tốt như: Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thừa Thiên - Huế, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bạc Liêu, Phú Yên, Cà Mau…
Năm 1972, với sự hỗ trợ của UNESCO, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã khởi xướng và tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế dành cho thiếu nhi trên toàn thế giới, nhằm làm phong phú thêm sự tinh tế trong tư duy, nhận thức xã hội và giúp phát triển khả năng viết văn của các em. Kết quả cuộc thi được công bố vào dịp kỷ niệm Ngày Bưu chính thế giới 9/10 hàng năm. Tham gia cuộc thi từ năm 1987, đến nay, Việt Nam có 23 năm tổ chức và tham gia cuộc thi. Nếu như năm đầu tiên chỉ có khoảng 5.000 bài dự thi, đến nay có trên 1 triệu bài dự thi của các em. Ý tưởng, chủ đề qua các cuộc thi giúp các em cùng trăn trở, suy nghĩ đến những vấn đề quốc kế dân sinh mang tính thời đại, nhưng cũng mang đậm tính nhân văn, đặc biệt như đối với các quốc gia đang phát triển như nước ta. |