Thu phí vào khu vực đô thị trung tâm: Phải tiếp cận từ lợi ích của dân

Theo dự kiến, chủ phương tiện được yêu cầu mở tài khoản thẻ để hệ thống tự động trừ tiền khi phương tiện đi vào vùng thu phí.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dù mới chỉ là ý tưởng, song có nhiều ý kiến băn khoăn về cơ sở pháp lý và tính khả thi của cách làm này.

Chủ trương đúng cần cách làm hay

Hà Nội và TP.HCM đều đã lên kế hoạch thu phí phương tiện vào khu vực đô thị trung tâm như một trong các cách để giảm áp lực giao thông nội đô. Theo khẳng định của đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, mục tiêu của Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường” nhằm hạn chế phương tiện vào nội đô vào một số khung giờ nhất định.

Ông Vương Minh Hoan, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện tại Đề án mới đưa ra nguyên tắc thu phí, nhưng chưa định rõ thu phí theo vành đai hay tuyến đường. Điều này sẽ được thể hiện khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, nguyên tắc thu phí là áp dụng công nghệ thu phí không dừng nhằm tạo thuận lợi nhất cho người trả phí. “Để có điều kiện thu phí không dừng thì đề án có thể đề xuất làm một loại thẻ hoặc đưa ra cách tiện ích nhất cho đối tượng bị ảnh hưởng của đề án này”, ông Hoan cho hay.

Tuy vậy, một số người tham gia giao thông cũng lo ngại, việc có thêm một tài khoản khi thu phí phương tiện vào nội đô, bên cạnh tài khoản BOT không dừng, rồi tới đây có thể là tài khoản khi đăng ký mới phương tiện như đề xuất của Bộ Công an thì chủ xe, lái xe sẽ có quá nhiều loại thẻ. Đối với lái xe có kinh nghiệm sử dụng smartphone, kinh nghiệm về công nghệ còn hợp lý, nhưng với các bác tài lớn tuổi thì sẽ khó thực hiện.

Ủng hộ chủ trương thu phí phương tiện vào nội đô để giảm tình trạng ùn tắc, song TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, những đề xuất yêu cầu chủ phương tiện mở tài khoản để phạt nguội và thu phí vào nội đô cần được xem xét cẩn thận. Nếu cơ quan chức năng tự động trừ vào tài khoản cá nhân thì liên quan rất nhiều đến vấn đề pháp lý và bảo hộ tài sản công dân được pháp luật bảo vệ mạnh mẽ.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Văn phòng Luật sư Basico cho rằng, việc ra đời quá nhiều loại thẻ sẽ gây phiền phức cho người sử dụng. Thay vào đó, những phương tiện sử dụng tài khoản BOT thường xuyên có thể sử dụng luôn tài khoản đó chứ không cần thiết phải tạo ra một thẻ mới. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và ngân hàng.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, không chỉ phiền toái vì có quá nhiều loại thẻ, mà với mỗi tài khoản bị tồn đọng một số tiền nhất định cũng gây khó cho người dùng. Theo ông Quyền, chính quyền các đô thị có thể phát hành loại thẻ sử dụng theo ngày, theo tuần, theo tháng để người dân lựa chọn: “Tôi thấy ở các nước họ gắn trên giá long môn trên đường và các thiết bị gắn trên xe, khi đi qua nó kêu “tít” là cứ thế đi. Có lẽ Việt Nam nếu muốn thu phí phải nghiên cứu công nghệ hiện đại đó”.

Lãnh đạo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, để việc thu phí thực hiện thành công thì việc hoàn thiện mạng lưới đường vành đai cần được gấp rút thực hiện. Khi đó, những phương tiện đi qua Hà Nội sẽ qua đường vành đai, hạn chế việc phải đi xuyên trung tâm và bị thu phí bất đắc dĩ.

Hãy tiếp cận từ lợi ích của người dân

Việc thu phí phương tiện vào nội đô đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng nhằm hạn chế phương tiện vào khu vực có nguy cơ xảy ra ùn tắc. Công nghệ hiện nay cho phép cơ quan quản lý có nhiều lựa chọn về cách thức triển khai. Tuy nhiên, mọi phương pháp quản trị sẽ chỉ thực sự đạt được sự đồng thuận và phát huy hiệu quả khi tiếp cận từ lợi ích của người dân.

Thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô là một giải pháp căn bản để hạn chế phương tiện cá nhân, và phát triển giao thông công cộng. Tuy nhiên, giải pháp này cần những điều kiện cơ bản để khả thi mà không tác động tiêu cực tới đời sống dân sinh.

Thứ nhất, về hạ tầng, để thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô, hệ thống đường tránh thành phố phải hoàn thiện để người ta không buộc phải đi vào nội đô và mất phí.

Thứ hai, việc tổ chức thu phí phải đảm bảo không gây phiền hà cho người dân. Đây là câu chuyện của phương pháp.

Phương án lập trạm thu phí chắc chắn sẽ không khả thi vì không thể tránh được ùn tắc ở các cửa ngõ.

Phương án mua thẻ lưu hành nội đô là cách khả thi nhất hiện tại. Tuy nhiên phương án này cần linh hoạt lựa chọn theo nhu cầu của người dân. Theo đó, tùy nhu cầu mà người dùng có thể mua vé ngày, vé tuần, hoặc vé tháng. Vé có thể được bán trực tiếp tại các trạm dịch vụ, cây xăng, điểm dừng nghỉ ngoại vi thành phố, cũng có thể mua online. Thẻ lưu hành nội đô cần định dạng với hình thức tem dán trên kính xe.

Vấn đề kiểm soát tem thẻ lưu hành hoàn toàn phải dựa trên sự tự giác của người dùng. Do đó, sẽ khó tránh khỏi tình trạng gian lận, trốn né trách nhiệm trả phí. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có khả năng thay đổi khi mức phạt hành vi trốn tránh trả phí được quy định để tăng khả năng trả giá. Bạn có thể trốn tránh trả phí một số lần, nhưng một lần bị phát hiện có thể phải trả giá bằng cả năm thu phí thì hành vi người dùng sẽ buộc phải thay đổi bởi lợi ích cá nhân.

Mỗi một chủ trương dân sinh muốn triển khai thông đồng bén giọt, nguyên tắc là phải đặt lợi ích của người dân lên đầu. Từ đó áp dụng các phương pháp phù hợp. Khi không coi trọng lợi ích của người dân, chỉ quan tâm sự thuận lợi của các nhóm lợi ích, hoặc của cơ quan quản lý, các chính sách sẽ què quặt, méo mó và không thể tìm được sự đồng thuận của xã hội. Việc dễ sẽ trở thành khó khăn và mọi cố gắng quản trị xã hội đều có nguy cơ bị lỡ dở nửa chừng.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trả lời thắc mắc của học sinh Trường THCS Thanh Xuân về tác hại của thuốc lá điện tử. Ảnh: TG

Hình thành thói quen 'nói không với thuốc lá'

GD&TĐ - Các nhà trường đã và đang triển khai nhiều giải pháp đa dạng để tuyên truyền về tác hại của khói thuốc, giúp học sinh hình thành thói quen “nói không với thuốc lá”.