Theo đó, Thủ tướng đồng ý mở rộng thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú có thu phí, giám sát chặt chẽ. Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Công an, chính quyền các địa phương, nhất là ngành y tế phải thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn gấp để thực hiện việc thu phí với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở tất cả các nơi cách ly từ ngày 1/9.
Quyết định thu phí cách ly là mũi tên trúng nhiều đích. Thứ nhất, các cơ sở lưu trú đăng ký làm nơi cách ly sẽ có một nguồn thu nhất định thay vì phải đóng cửa vì không có khách. Theo rà soát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến ngày 6/8 có 173 cơ sở lưu trú với 11,7 nghìn phòng của 25 tỉnh, thành trên cả nước được huy động phục vụ cách ly phòng, chống dịch bệnh. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, số tiền thu được dù ít dù nhiều đều giúp các cơ sở lưu trú có thêm đồng ra đồng vào để trang trải chi phí trong thời điểm rất khó khăn hiện nay.
Đối với người bị cách ly, họ được lựa chọn cách ly trong điều kiện mong muốn phù hợp với khả năng chi tiêu của mình. Thực tế cho thấy có không ít người sẵn sàng chi trả để được cách ly ở khách sạn, khu nghỉ dưỡng - nơi có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, tiện nghi hơn so với khu cách ly tập trung miễn phí.
Nhà nước tất nhiên cũng được lợi, ở chỗ đỡ áp lực tìm cơ sở cách ly, dành “chỗ trống” cho người dân không có điều kiện kinh tế. Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, Chính phủ chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Tuy nhiên, việc bao cấp toàn bộ đang gây áp lực rất lớn đối với ngân sách Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch còn diễn biến kéo dài. Vì vậy, thu phí cách ly tại các cơ sở lưu trú đối với những người có nhu cầu sẽ góp phần giảm tải cho ngân sách.
Trên thế giới, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn về việc cách ly phòng bệnh Covid-19 tại khách sạn mà chỉ có hướng dẫn chung chung của Tổ chức Y tế thế giới. Mỗi nước đưa ra nhiều hướng dẫn khác nhau. Ở nước ta, tháng 3/2020, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tập trung tại khách sạn do người được cách ly tự nguyện chi trả.
Tuy thu phí cách ly là biện pháp phù hợp với “chống dịch đường dài” nhưng để bảo đảm an toàn, cơ sở lưu trú phải làm việc với các lực lượng chuyên môn, từ y tế đến lực lượng an ninh, để cùng nguồn nhân lực của mình thành lập đội ngũ chuyên trách. Nói cách khác, phải có sự thống nhất nhiều bên mới triển khai thành công hình thức cách ly này.
Hiện nay, các địa phương vẫn chờ hướng dẫn cụ thể từ Trung ương dù nhiều doanh nghiệp đã chi trả phí cho việc cách ly chuyên gia, nhà đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng phối hợp ban hành hướng dẫn để địa phương sớm triển khai.