'Thủ phạm' gây đái tháo đường ở trẻ em

GD&TĐ - Trẻ thừa cân béo phì có khuynh hướng mắc đái tháo đường type 2, đặc biệt nếu gia đình có người bị bệnh này.

Thăm khám trẻ béo phì tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Thăm khám trẻ béo phì tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Trẻ thừa cân béo phì có khuynh hướng mắc đái tháo đường type 2, đặc biệt nếu gia đình có người bị bệnh này. Trẻ từ 10 tuổi trở lên mắc đái tháo đường nhiều hơn so với trẻ dưới 10 tuổi.

Yếu tố thúc đẩy đái tháo đường

Thời gian qua, một số cơ sở y tế như: Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương… đã tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân từ 7 - 18 tuổi nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường type 1 đều ở mức đường huyết rất cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đái tháo đường type 1 (hay còn gọi là tiểu đường tuýp 1) là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng.

Khi đó, glucose trong máu không thể đi vào tế bào và tích tụ dần trong máu dẫn đến tăng đường máu. Trong khi đó, các tế bào lại bị “đói năng lượng” do không thể tiếp nhận được glucose. Khi lượng đường trong máu tăng cao kéo dài sẽ gây hại cho cơ thể. Đồng thời, gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.

Bệnh đái tháo đường type 1 cũng được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là 10 - 14 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ là tương đương nhau. Đái tháo đường type 1 chiếm khoảng 5 - 10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường.

Theo các chuyên gia, trẻ hóa đái tháo đường đang là vấn đề đáng lo ngại đối với gia đình và xã hội. Việc điều trị nhóm này thường khó khăn hơn vì các thuốc uống hạ đường huyết hiện ít được nghiên cứu ở trẻ em. Đa phần các thuốc được nghiên cứu ở người từ 18 tuổi. Vì vậy, việc dùng thuốc điều trị cho trẻ em, thiếu niên cần phải cẩn trọng.

BSCKI Lê Thanh Bình - Phó Trưởng khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng (TPHCM) cho biết, bệnh đái tháo đường ở trẻ em có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân có thể do yếu tố di truyền từ gia đình, hoặc tác động từ môi trường sống, thức ăn. Trong đó, tình trạng béo phì thừa cân là yếu tố thúc đẩy đái đáo thường ở trẻ.

Theo bác sĩ Bình, trẻ thừa cân béo phì có khuynh hướng mắc đái tháo đường type 2, đặc biệt nếu gia đình có người bị bệnh này. Trẻ từ 10 tuổi trở lên mắc đái tháo đường nhiều hơn so với trẻ dưới 10 tuổi.

“Đái tháo thường type 2 thường được gây ra bởi chính lối sống thời đại nay. Trẻ ăn nhiều, nạp nhiều thức ăn nhanh, cha mẹ chăm chút con, dẫn đến béo phì thừa cân. Đó cũng là nguyên nhân khiến số trẻ mắc đái tháo đường cao hơn. Tuy nhiên, không phải trẻ béo phì nào cũng mắc bệnh đái tháo đường”, BSCKI Lê Thanh Bình cho biết.

“Chặn đứng” đái tháo đường do thừa cân

Lý giải về nguyên nhân béo phì có nguy cơ cao mắc đái tháo đường, BSCKII Trần Thuỳ Ngân - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, mô mỡ trong cơ thể giúp giải phóng, phản ứng với các hormone gây ra bệnh chuyển hóa, đặc biệt bệnh tiểu đường. Có hơn 90% người bệnh tiểu đường ảnh hưởng sức khỏe do thừa cân, béo phì.

Béo phì tác động đến các hệ cơ quan trong cơ thể, làm tăng tỷ lệ bệnh tim mạch, thận, viêm khớp, ngưng thở khi ngủ… Đặc biệt, béo phì và bệnh tiểu đường type 2 có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Việc duy trì cân nặng vừa phải, thay đổi lối sống lành mạnh sẽ giúp ngăn biến chứng hoặc ngừa bệnh tiểu đường.

Thừa cân, béo phì xảy ra khi cơ thể có quá nhiều mỡ trong cơ thể, có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng nguy cơ bệnh tiểu đường type 2.

Bệnh tiểu đường type 2 được gây ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả. Điều này khiến lượng đường trong máu không được vận chuyển đi nuôi tế bào. Từ đó, dẫn đến tồn đọng lâu ngày, khiến tăng đường huyết và dần hình thành bệnh tiểu đường type 2.

Theo chuyên gia này, người béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khoảng 10 lần so với người có trọng lượng cơ thể vừa phải. Khi tỷ lệ béo phì tăng lên nhanh, thì tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng sẽ tăng theo.

Bác sĩ Ngân dẫn chứng, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, năm 2000, tỷ lệ người bệnh tiểu đường trên toàn thế giới chỉ có 171 triệu người. Dự đoán, con số này sẽ tăng lên 366 triệu vào năm 2030. Riêng tại Việt Nam, hiện có hơn 5 triệu người bị tiểu đường.

Chia sẻ về hậu quả của béo phì, PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia nhấn mạnh, trẻ béo phì thường có chế độ ăn nhiều chất đạm. Do đó, trẻ có nguy cơ gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hoá lipid máu. Có những em cholesterol lên tới 6 – 7 milimol trên lít, axit uric cao… đái tháo đường sớm.

Ca đái tháo đường trẻ nhất ở Việt Nam là bé 8,5 tuổi do thừa cân béo phì và rối loạn chuyển hoá.

“Trong khoảng 10 năm tới, thế hệ trẻ em thừa cân béo phì hiện nay sẽ trở thành người trưởng thành thừa cân béo phì. Những người này sẽ gặp nhiều hậu quả về rối loạn chuyển hoá, như mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh gout”, chuyên gia cảnh báo.

Trong khi đó, theo PGS Nhung, thực tế, trẻ dễ giảm cân hơn người lớn rất nhiều. Trẻ thừa cân béo phì là do ăn quá nhiều so với nhu cầu khuyến nghị. Do đó, chỉ cần cho trẻ ăn đúng tháp dinh dưỡng, theo nhu cầu khuyến nghị, mức độ hoạt động thể lực, ăn cân đối giữa các bữa, thay gạo trắng bằng gạo lứt… Đồng thời, tăng hoạt động thể lực là có thể giúp trẻ giảm cân. Khi áp dụng bền vững, trẻ sẽ giảm cân từ từ và duy trì trong nhiều năm.

Để trẻ giảm cân, bố mẹ phải cho con ăn theo suất, đúng năng lượng, đúng bữa. Đồng thời, không cho trẻ ăn thêm các thực phẩm khác, không uống sữa trước khi đi ngủ. Không để đồ ăn nhiều trong tủ lạnh. Đặc biệt, với trẻ ở lứa tuổi THPT, thức khuya cũng tăng nguy cơ thừa cân béo phì. Nhiều trẻ thức khuya thường xuyên ăn mì tôm, uống nước ngọt. Khi đó, năng lượng vào đêm được dự trữ thành mỡ, tăng nguy cơ thừa cân béo phì.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.