Thu nhập người lao động tăng trong năm 2022

GD&TĐ - Báo cáo tổng quan tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022 cho thấy, tính chung cả năm 2022, thị trường lao động nước ta có nhiều điểm sáng.

Số lao động có việc làm quý III và quý IV giai đoạn 2019 - 2022. Ảnh: Tổng cục Thống kê
Số lao động có việc làm quý III và quý IV giai đoạn 2019 - 2022. Ảnh: Tổng cục Thống kê

Thu nhập bình quân theo tháng của người lao động năm 2022 đạt 6,7 triệu đồng, tăng 16% (tương đương 927.000 đồng) so với 2021 và tăng 12,7% (tương đương 759.000 đồng) so với năm 2019 - thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết, năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 8,02%. Đây là mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt ở mức 3,15%, an sinh xã hội được đảm bảo. Do vậy, thị trường lao động việc làm năm 2022 đã phục hồi.

Báo cáo tổng quan về tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022 cho thấy, tính chung cả năm 2022, thị trường lao động nước ta có nhiều điểm sáng. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm và lao động phi chính thức đều có xu hướng giảm.

Điều này cho thấy dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và cả hệ thống chính trị nhằm phục hồi kinh tế, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường lao động nói riêng năm 2022 đang từng bước phục hồi.

Cụ thể, số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê nêu rõ, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV/2022 là 52,1 triệu người. Đây là mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, tăng gần 0,3 triệu người so với quý trước và gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ 2021.

Thông thường, quý IV là thời điểm mà thị trường lao động cần huy động rất nhiều nguồn nhân lực phục vụ các dịp lễ Tết cuối năm. Do đó, số có việc làm thường tăng cao. Như trong năm 2019, thời điểm trước khi có dịch Covid-19, lao động có việc làm trong quý IV tăng 4,6 nghìn người (tương đương tăng gần 1%).

Tuy nhiên, trong quý IV năm 2022, lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm do tác động của tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn. Ngoài ra, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao.

Tình trạng này buộc các nước châu Âu phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm. Cùng với đó, lãi suất và tỷ giá tăng vọt khiến các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn và phải cắt giảm lao động. Điều này làm giảm tốc độ tăng lao động trong quý IV năm nay chỉ còn 0,5%.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý IV năm 2022 là 65,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 46,6%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 74,6%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân theo tháng của người lao động năm 2022 đạt 6,7 triệu đồng, tăng 16% (tương đương 927.000 đồng) so với 2021 và tăng 12,7% (tương đương 759.000 đồng) so với năm 2019 - thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cách tạo cv đẹp, chất lượng