Đây là một nội dung tại Hội thảo "Xây dựng các đơn vị năng lực cơ bản trong tiêu chuẩn Kỹ năng nghề quốc gia", do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức ngày 5/12, tại Hải Phòng.
Hội thảo nhằm lấy ý kiến chuyên gia, lĩnh vực, đại diện các bên liên quan gồm nhà nước, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu… để thống nhất hoàn thiện các đơn vị năng lực cơ bản của người lao động trong các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của các nghề.
Trong tình hình thế giới việc làm đang chịu tác động của cuộc CMCN 4.0, biến đổi khí hậu, dịch bệnh,… người lao động rất cần những kỹ năng, năng lực cơ bản, nền tảng để thích nghi và có sức đề kháng cao với những yếu tố “bất định, bất ngờ, bất an, diễn biến nhanh chóng, khó dự đoán, khó dự báo” của thế giới việc làm.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã và đang phối hợp với các Bộ chủ trì tổ chức xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia để trình Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành, công bố.
Tại hội thảo các đại biểu đã được nghe các tham luận về Chuẩn hóa và công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo quy định của pháp luật hiện hành; Năng lực quan trọng, cần thiết của người lao động tại một số quốc gia; Cấu trúc kỹ năng mềm và phương pháp tiếp cận xây dựng nhóm năng lực cơ bản;…
Đồng thời thảo luận sâu về các nội dung như: Năng lực cơ bản cần thiết khi tham gia thị trường lao động; kỹ năng thích ứng trong thời kỳ CMCN 4.0; đóng góp ý kiến cho 6 đơn vị năng lực cơ bản trong tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Trong đó, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khuyến khích việc công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa vào kỹ năng nghề. Vấn đề đặt ra cho công tác chuẩn hóa kỹ năng nghề cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc thay đổi tư duy tuyển dụng dựa trên năng lực nghề nghiệp thực tế thay vì dựa vào bằng cấp.
Trong xu thế dịch chuyển đầu tư FDI vào Việt Nam, nhu cầu về lao động có kỹ năng nghề sẽ tăng rất nhanh, đòi hỏi sự chuẩn bị nhanh chóng, kịp thời về nguồn nhân lực chất lượng cao để sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới.
Theo ông Nguyễn Chí Trường, mục tiêu của nước ta đến năm 2030 sẽ là nước thu nhập trung bình cao, thu nhập bình quân đầu người từ 3.700 – 11.000 USD/năm. Để tăng thu nhập bình quân, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố mấu chốt, khâu đột phá phát triển nền kinh tế bền vững.
Chính vì vậy, chuẩn hóa và công nhận kỹ năng nghề, phát triển nguồn nhân lực theo hướng cơ bản, nền tảng, chuyên nghiệp hóa, sáng tạo là hết sức quan trọng.
Việc xây dựng thống nhất các đơn vị năng lực cơ bản sẽ tạo điều kiện cho công tác chuẩn hóa và công nhận trình độ kỹ năng nghề cơ bản của người lao động, tiết kiệm được chi phí xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia theo quy định hiện hành.