Thu nhập người lao động tăng hơn 1 triệu đồng so với trước dịch

GD&TĐ -So với cùng kỳ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7%, tương ứng tăng gần 1,1 triệu đồng.

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động tăng

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/7 cho thấy, thị trường lao động trong quý II năm nay tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý II tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, lao động trong ngành dịch vụ tăng đáng kể so với quý trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm nay là 51,6 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng (tương ứng tăng 0,3 triệu người và 0,1 triệu người).

Thu nhập của người lao động đã tăng so với trước dịch

Thu nhập của người lao động đã tăng so với trước dịch

Lực lượng lao động nữ tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nam (0,3 triệu lao động của nữ so với gần 0,2 triệu lao động của nam). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động tăng ở khu vực thành thị (tăng 0,6 triệu người) và giảm nhẹ ở nông thôn (0,06 triệu người).

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm nay là 50,5 triệu người, tăng 504,6 nghìn người (tương ứng tăng 1,01%) so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người (tương ứng tăng 1,41%) so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý II năm nay là khoảng 881,8 nghìn. Con số này giảm 447,1 nghìn người so với quý trước và giảm 263,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Biến động thu nhập

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm nay là gần 1,1 triệu, giảm 41,6 nghìn người so với quý trước và giảm 112,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II là 2,32%, giảm 0,14 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,30 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15 - 24 tuổi quý II năm nay là 7,63%, giảm 0,30 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,16 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,13%, cao hơn 2,30 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Theo Tổng cục Thống kê, biến động thu nhập của người lao động trong quý II so với quý I năm nay khác với xu hướng thường thấy của các năm trước. Trong các năm từ 2019 - 2021, thu nhập lao động quý II thường giảm so với quý I. Lý do là bởi các khoản thu nhập phụ trội bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý I.

Ngược lại, trong năm nay, thu nhập bình quân của người lao động ở quý II không giảm so với quý trước như mọi năm. Thay vào đó, thu nhập tiếp tục tăng trưởng dương so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

“Đây là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ. So với cùng kỳ năm 2021, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, thu nhập bình quân của người lao động quý II năm nay có tốc độ tăng trưởng khá là 8,9%, tương ứng tăng khoảng 542 nghìn đồng.

So với cùng kỳ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7%, tương ứng tăng gần 1,1 triệu đồng. Đời sống của người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện”, Tổng cục Thống kê cho biết.

Quý II năm nay cũng chứng kiến sự tăng trưởng trong thu nhập bình quân của lao động làm việc ở cả 21 ngành kinh tế so với cùng kỳ năm 2021.

Một số ngành có tốc độ tăng trưởng khá gồm: Khai khoáng đạt mức 9,7 triệu đồng, tăng 17,1%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,4 triệu đồng, tăng 12,4%, tương ứng tăng khoảng 818 nghìn đồng; Sản xuất và phân phối điện đạt 9,6 triệu đồng, tăng 10,7%, tương ứng tăng 928 nghìn đồng; Dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 6,2 triệu đồng, tăng 10,2%, tương ứng tăng 572 nghìn đồng.

Ngay cả ngành gặp nhiều khó khăn do sự biến động của giá xăng dầu như Vận tải kho bãi cũng có mức tăng trưởng thu nhập khá, đạt mức 8,9 triệu đồng trong quý II năm 2022. Con số này tăng 4,2% so với quý trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ