Gần 69% người lao động bị giảm thu nhập

GD&TĐ - Tính đến hết tháng 9, Việt Nam có 68,9% người bị giảm thu nhập. Gần 40% người lao động phải giảm giờ làm, nghỉ luân phiên. Số người tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh là 14%.

Hầu hết lao động trong lĩnh vực sản xuất đều giảm thu nhập do dịch bệnh.
Hầu hết lao động trong lĩnh vực sản xuất đều giảm thu nhập do dịch bệnh.

Gần 2 triệu người mất cơ hội việc làm

Sáng ngày 6/10, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng đầu năm. Phát biểu tại họp báo, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định:

“Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tái bùng phát vào cuối tháng 7 tại thành phố Đà Nẵng đã tác động đến tình hình lao động, việc làm của cả nước. Đại dịch cũng ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động, sau thời gian giãn cách toàn xã hội vào tháng 4.

Trong quý III, tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động đã được cải thiện so với quý trước. Tuy nhiên, các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước”.

Tính đến tháng 9 năm nay, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng. Tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.

Bà Vũ Thị Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, lực lượng lao động tăng trở lại sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa được khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,4 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ở khu vực nông thôn. Từ năm 2016 - 2019, trung bình mỗi năm, lực lượng lao động 9 tháng đầu năm tăng 1,0%.

Nếu lực lượng lao động 9 tháng năm nay duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016 - 2019 và không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,8 triệu lao động. Như vậy, Covid-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,8 triệu người.

Dịch Covid-19 làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm ở cả ba khu vực kinh tế. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III là 1,3 triệu, giảm 81,4 nghìn người so với quý trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 560,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. 

Dự báo nền kinh tế khởi sắc

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, tình hình sản xuất trong quý III đang dần hồi phục, nhưng không thể bằng khi đại dịch chưa bùng phát. Chỉ tiêu thất nghiệp là một yếu tố quan trọng để đánh giá tình hình kinh doanh và sản xuất kinh tế. Trong khi đó, người lao động vẫn gặp khó khăn để được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Do Covid-19, cơ hội tìm kiếm việc làm thời vụ dồi dào, người lao động phải tìm công việc phi chính thức để có thu nhập.

Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực thành thị là 4%, bình quân 9 tháng đầu năm là 3,88%, thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 4%.

“Do áp dụng chính sách ứng phó quyết liệt, hiệu quả, dịch được kiểm soát và không ảnh hưởng nhiều đến tình hình lao động việc làm. Kinh tế trong quý III có sự khởi sắc”, bà Thuỷ nhận định.

Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động dự báo, đến cuối năm, kinh tế sẽ khởi sắc, người lao động có nhiều việc làm hơn, tỷ lệ thất nghiệp được kiểm soát ở mức hiện tại hoặc thấp hơn. Bà Thủy nhấn mạnh, chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu của Quốc hội đề ra là giữ tỷ lệ thất nghiệp không quá 4%.

Bà Nguyễn Thanh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê, phát biểu: “Dự báo đến năm 2039, nước ta chính thức hết thời kỳ dân số vàng, thay vào đó là dân số già hóa”.

Cụ thể, bà Mai cho hay, trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, Việt Nam dồi dào về lực lượng lao động trẻ, nhưng còn nhiều khó khăn. Mặc dù nguồn lao động dồi dào, nhưng có 1/3 người làm các công việc giản đơn, hơn 1/2 người có việc làm phi chính thức. Trong khi đó, tỷ lệ lao động có trình độ chỉ chiếm 1/4.

“Đây là thách thức lớn khi thị trường thế giới và trong nước ngày càng đòi hỏi cao. Trình độ người lao động ngày càng cần nâng cao. Những người không đủ trình độ sẽ bị thanh lọc khỏi thị trường lao động”, bà Mai lý giải.

Trước bối cảnh này, Tổng cục Thống kê cho biết, cần tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Tập trung hỗ trợ các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức và lao động chính thức trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.

Nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phi chính thức.

Ngoài ra, đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành. Trong đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại các doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...