Tìm hướng đi cho vùng đất hoang hóa
Xã Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) chịu ảnh hưởng trực tiếp của Dự án Mỏ sắt Thạch Khê. Hàng chục năm qua, nhiều diện tích canh tác ở đây bị sa mạc hóa, đồng khô, cỏ cháy, đời sống sản xuất nông nghiệp gặp vô vàn khó khăn.
Thực tiễn trên đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn đối với địa phương thuần nông này. Để tìm hướng đi trên vùng đất “chết” nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững là dấu hỏi lớn đối với các cấp ngành.
Sau quá trình nghiên cứu về khí hậu thổ nhưỡng cùng nhiều yếu tố liên quan, cuối năm 2023, Sở KH&CN Hà Tĩnh phối hợp với Công ty TNHH Bio Green STC (Công ty STC) triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính (Hibiscus sagittifolius Kurz) tại xã Thạch Khê.
Quy mô thực hiện dự án hơn 1ha, tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 2 năm. Dự án nhằm mở ra cơ hội mới cho người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây đa mục tiêu, phát huy hiệu quả kinh tế.
Để thực hiện dự án trên, đầu năm 2024, là người sinh ra và lớn lên tại xã Thạch Khê, anh Phan Nhân Trí - Phó Giám đốc Công ty STC đã mạnh dạn thuê, tích tụ được 1ha đất màu bỏ hoang của gần 20 hộ dân ở thôn Phúc Thanh, xã Thạch Khê và đầu tư hơn 1 tỷ đồng để trồng sâm bố chính.
"Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy sâm bố chính là dược liệu quý, được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc của y học cổ truyền để chữa bệnh. Nhờ những công dụng đặc biệt về bồi bổ sức khỏe nên loại sâm này được gọi là sâm tiến vua, được tiêu thụ khá lớn.
Hiện nay vẫn chưa có nhiều đơn vị trồng loại sâm này khiến thị trường còn rất tiềm năng. Xã Thạch Khê (huyện Thạch Hà) có chất đất thịt pha cát nhiều khó canh tác các loại nông sản khác nhưng thuận lợi cho việc cây sâm bố chính sinh trưởng, phát triển đạt năng suất, chất lượng", anh Trí nói.
Quá trình trồng, cây sâm bố chính phát triển tốt, thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, đặc biệt là chất đất thịt pha cát. Cây sâm được sản xuất theo quy trình GAP nên hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật.
Kỳ vọng giúp người dân thoát nghèo
Sau 6 tháng trồng và chăm sóc, những ngày này, gia đình anh Trí đang tiến hành thu hoạch sâm bố chính để bán. Sâm thu hoạch đạt trọng lượng chuẩn với 6-10 củ/kg, bán với giá 200.000 đồng/kg, ước tính tổng doanh thu mô hình đạt trên 700 triệu đồng/ha.
Theo anh Trí, cây sâm bố chính có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ cây sâm này còn nhiều tiềm năng, tuy nhiên đây là loại cây rất kén đất, không phải chất đất nào cũng trồng được. Sâm không ưa đất có độ ẩm cao, vùng có khí hậu mưa nhiều bởi cây ngập úng dễ mắc các loại bệnh, một khi đã bệnh thì rất khó trị.
“Để trồng sâm, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp như gieo trực tiếp giống cây vào đất và ủ giống cây trong bầu một thời gian rồi mới mang ra trồng. Trong quá trình chăm sóc thường xuyên phải chú ý đến các yếu tố như nguồn nước đảm bảo, tưới đủ ẩm trong thời gian mới trồng. Làm cỏ sau bón thúc phân chuồng đã ủ ở giai đoạn cây sắp đẻ nhánh. Thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện các loại sâu ăn lá và côn trùng gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời...”, anh Trí chia sẻ thêm.
Ông Phan Xuân Mậu - Chủ tịch UBND xã Thạch Khê cho biết, bước đầu thu hoạch sâm tại mô hình của anh Trí trên địa bàn, nhận thấy cây sâm bố chính phát triển tốt củ to, đều và có chất lượng tốt, đạt năng suất cao, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
“Trong thời gian tới xã Thạch Khê sẽ tiến hành đánh giá tổng thể, nếu thực sự hiệu quả sẽ vận động nhân dân mở rộng diện tích, tạo điều kiện và đất đai, tìm kiếm thị trường giúp người dân yên tâm sản xuất nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống, đảm bảo thực hiện tốt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững”, ông Mậu nói.
Sâm bố chính (dân gian thường gọi là sâm tiến vua) là một loại cây dược liệu, có nhiều công năng ứng dụng trong các bài thuốc nam chữa các bệnh gan, thận, đại tràng, dạ dày, bồi bổ sức khỏe, lưu thông khí huyết, ngâm rượu, làm nước giải khát...