Vì vậy, tăng lương cơ sở nhưng tổng thu nhập tăng không đáng kể.
Việc nhiều, thu nhập thấp
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hường - nhân viên thư viện Trường THCS Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) cho rằng, phần lớn đội ngũ nhân viên trường học hưởng phụ cấp thấp hoặc không có, chưa được thăng hạng chức danh nghề nghiệp nên lương cơ sở tăng thì tổng thu nhập cũng tăng không đáng kể. Điều này tạo sự bất công giữa những người làm việc trong cùng một môi trường.
Nhân viên thư viện trong cả nước nhiều lần đề xuất cơ quan quản lý chi trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với viên chức làm công tác thư viện. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có một số địa phương thực hiện. Ngoài ra, đội ngũ này cũng đề xuất bổ sung chế độ tiền lương kiêm nhiệm đối với viên chức thư viện kiêm nhiệm thêm các công việc độc lập khác theo định mức biên chế vị trí việc làm đang còn thiếu ở đơn vị.
“Yêu cầu công việc lớn, áp lực ngày một nhiều nhưng nhiều nhân viên thư viện trên 15 năm công tác mà tiền lương chỉ dao động từ 4 – 6 triệu đồng/tháng. Vì vậy, ngoài giờ làm việc, họ làm thêm nhiều việc như bán hàng online, đồ thủ công, bán chè, phụ hồ, bán và cung cấp văn phòng phẩm... để kiếm thêm thu nhập nuôi con. Chúng tôi mong được các cấp cho xét thăng hạng chức danh thư viện viên hạng III, hạng II”, cô Hường kiến nghị.
Cô Nguyễn Thị Dung - nhân viên thư viện tỉnh Thanh Hóa đưa ra đề xuất, đội ngũ này cần được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 25%. “Đáp ứng yêu cầu công việc, chúng tôi phải học hỏi, trau dồi kiến thức để áp dụng phần mềm thư viện, thư viện số, thư viện điện tử, liên thông thư viện...
Dù rất tâm huyết và luôn học hỏi tri thức mới nhưng ưu đãi, phụ cấp không có khiến chúng tôi thấy buồn và vơi bớt động lực với nghề. Do đó, mong các cấp lãnh đạo quan tâm để ngoài tăng lương, chúng tôi nhận thêm phụ cấp xứng đáng”, cô Dung nói.
Nỗi lòng nhân viên kế toán, nuôi dưỡng
Vào nghề từ năm 2010, chị Nguyễn Thị Hoa làm nhân viên nuôi dưỡng tại Trường Mầm non Kim Sơn (Gia Lâm, Hà Nội) đến nay bước sang năm thứ 15. Công việc của các cô rất vất vả khi mỗi ngày phục vụ suất ăn cho hơn 600 trẻ và giáo viên.
Do chưa có thang máy nên nhân viên nuôi dưỡng thường xuyên bê vác, di chuyển đồ ăn từ bếp lên các lớp nên ảnh hưởng đến sức khỏe. Chị Hoa bị rách vòng xơ đĩa đệm và phải đeo đai lưng. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, chị cố gắng không nghỉ buổi nào.
Sau 14 năm đi làm, chị Hoa đang hưởng lương bậc 7, hệ số 3,06 theo bảng lương viên chức loại B kể từ ngày 1/12/2023 là 5.508.000 đồng, sau khi trừ bảo hiểm thực lĩnh được 4.929.000 đồng/tháng. Mỗi tháng, nhà trường hỗ trợ nhân viên bếp 300.000 đồng/người từ tiền bán trú.
“Dù không nhiều nhưng đây là sự động viên lớn của ban giám hiệu. Với đồng lương ít ỏi, tôi phải chi tiêu tằn tiện, cắt giảm mọi thứ kể cả tiền tàu xe về quê để có thể trang trải cuộc sống và nuôi con đang học lớp 6 tại Hà Nội. Ngoài tăng lương cơ sở, mong Nhà nước có thêm phụ cấp độc hại, thâm niên để chúng tôi cải thiện thu nhập”, chị Hoa tâm sự.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng – nhân viên nuôi dưỡng trường mầm non ở Hà Nội có 13 năm trong nghề. Chị đang hưởng lương bậc 7 là 4.400.000 đồng/tháng và chưa được hưởng thêm bất cứ phụ cấp gì dù hằng ngày phải đến từ sớm để tham gia giao nhận thực phẩm rồi chế biến, phân chia thực phẩm tới các lớp cho trẻ.
Làm việc trong môi trường độc hại khi phải thường xuyên tiếp xúc với khí gas, chị bày tỏ mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm và bổ sung thêm phụ cấp độc hại cho nhân viên bếp. Nếu chỉ tăng lương cơ sở, khoảng cách thu nhập của đội ngũ này với giáo viên sẽ ngày càng lớn, tạo ra sự thiếu công bằng trong một môi trường làm việc.
Có nhiều năm làm kế toán trường học tại huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An), ông Nguyễn Doãn Dương hiện hưởng lương kế toán viên mã ngạch 06.031 với hệ số 4,98 và 0,1 phụ cấp trách nhiệm, mỗi tháng thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Là đội ngũ tính thu nhập cho anh chị em trong đơn vị mỗi tháng, thấy họ được nhiều phụ cấp, trong khi công việc của kế toán nhiều, trách nhiệm cao nhưng thu nhập quá “bèo bọt” nên ông thấy chạnh lòng.
Chế độ tiền lương cho bộ phận kế toán trường học chưa tương xứng với khối lượng, tính chất công việc. Cùng là kế toán nhưng nếu làm ở cơ quan hành chính cấp xã/huyện, được hưởng phụ cấp công vụ 25%, còn kế toán trường học thì không.
“Hiện mới có quy định phụ cấp trách nhiệm của kế toán trưởng các đơn vị bằng 0,1 lương cơ sở. Từ tháng 7, Chính phủ quyết định tăng lương cơ sở từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, để sống được với nghề cần có thêm các phụ cấp khác. Chỉ khi được đãi ngộ xứng đáng, anh chị em mới yên tâm bám nghề”, ông Dương chia sẻ.
Ngày 26/12/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 7211/BGDĐT-NGCBQLGD về việc thực hiện chế độ chính sách và thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với đội ngũ nhân viên trường học. Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan tham mưu tổ chức hoặc tổ chức theo thẩm quyền việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp (trường hợp có phân hạng) cho nhân viên trường học theo quy định nhằm đảm bảo quyền lợi, góp phần cải thiện thu nhập cho đội ngũ.