Thử nghiệm thang máy vũ trụ

GD&TĐ - Từ nhiều năm nay, du hành vào vũ trụ là đề tài hấp dẫn. Hiện giờ, chúng ta đã quen với ý tưởng tên lửa vũ trụ sử dụng nhiều lần. Tuy nhiên, người Nhật đang phát triển phương thức mang tính đột phá trong lĩnh vực du hành vũ trụ.  

Thử nghiệm thang máy vũ trụ

Cho đến nay, có nhiều cách chế tạo thang máy vũ trụ, nhưng tất cả đều chung một mục đích là làm sao để thang máy di chuyển theo phương thẳng đứng, từ Trái đất vào không gian vũ trụ và ngược lại. Tuy nhiên cần bổ sung là thang máy vũ trụ chẳng qua là sự hiện thực hóa ước mơ của các nhà làm phim khoa học viễn tưởng.

Hiện tại, các nhà khoa học ở Đại học Shizuoka rất quyết tâm để hiện thực hóa ý tưởng thang máy vũ trụ. Thậm chí họ còn chuẩn bị thực hiện những thử nghiệm đầu tiên đối với thang máy trong vũ trụ.

Đầu tiên, người Nhật tiến hành thử nghiệm bằng cách sử dụng phiên bản thang máy đơn giản, thu nhỏ, có chiều dài 6 cm và chiều rộng 3 cm. Đây đúng là phương tiện vận tải dành cho... loài kiến, tuy nhiên phiên bản đầy đủ thì đủ lớn để dễ dàng vận chuyển hàng hóa trong kích thước thật.

Dự kiến, ngày 11/9 tới đây, Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản sẽ phóng tên lửa H-2B mang theo 2 vệ tinh mini, trong đó 1 vệ tinh sẽ phục vụ cho thang máy vũ trụ thu nhỏ. Khi ở trong vũ trụ, các động cơ sẽ khởi động thang máy dọc theo một sợi dây cáp giữa 2 vệ tinh ở cách nhau 10 mét. Một camera sẽ liên tục ghi lại diễn biến của sự kiện.

Thử nghiệm của các nhà khoa học dễ dàng thực hiện hơn so với việc tạo ra thang máy vũ trụ thực sự, chuyển động theo phương thẳng đứng giữa Trái đất và không gian vũ trụ. Hiện tại, chúng ta chưa có vật liệu đủ mạnh để chịu được các lực tương tác. Tuy nhiên tình trạng này chắc chắn sẽ thay đổi.

Nếu thang máy vũ trụ được chế tạo thành công, chi phí đưa vật liệu, hàng hóa và con người có thể giảm đáng kể - các chuyên gia dự đoán chi phí vận chuyển một gói hàng lên vũ trụ giảm từ 2.200 USD/kg xuống còn 220 USD/kg.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ