Trong thông báo đặc biệt mới phát đi, NASA nói về việc tàu không gian Kepler tiếp tục đi vào trạng thái “ngủ đông” một lần nữa. Con tàu đã khởi động trạng thái này sau khi kết thúc chuyển dữ liệu từ Chiến dịch quan sát thứ 18. Đầu tháng Bảy năm nay, chiến dịch này phải dừng lại do thiếu nhiên liệu. Các nhà thiên văn học lo ngại chẳng bao lâu nữa khả năng quan sát của Kepler sẽ trở nên rất hạn chế.
Lúc ban đầu (giai đoạn 2009 - 2013) tàu không gian Kepler chỉ quan sát phần bầu trời giữa chòm sao Thiên Nga và chòm sao Thiên Cầm. Do sử dụng quá nhiều các thành phần truyền động, nên vào tháng 5/2013 hai trong số bốn bánh đà phản lực của con tàu đã ngừng hoạt động. Nếu thiếu 3 trong số thiết bị đó thì việc giữ ổn định vị trí con tàu (rất cần thiết để thực hiện các phép đo) là bất khả thi. Sự cố đã kết thúc sứ mệnh đầu tiên của con tàu.
Sau hơn nửa năm gián đoạn, con tàu tiếp tục thực hiện các quan sát khoa học và phát hiện các ngoại hành tinh. Sứ mệnh này mang ký hiệu “K2” - trong khuôn khổ đó Kepler quan sát những phần bầu trời khác nhau nhưng trong thời gian ngắn hơn. Sứ mệnh K2 cũng phát hiện khá nhiều ngoại hành tinh.
Cho đến nay (tính đến ngày 27/8/2018), tàu không gian Kepler đã phát hiện tổng cộng 2.327 ngoại hành tinh (đã được khẳng định) và 4.496 “ứng viên” hành tinh. Riêng sứ mệnh K2 phát hiện 325 ngoại hành tinh và 493 “ứng viên”. Việc khẳng định sự tồn tại của các “ứng viên” hành tinh bằng những phương pháp khác nhau kéo dài tương đối lâu và cho đến nay người ta đã khẳng định sự tồn tại thực tế của khoảng một nửa số “ứng viên” hành tinh trong cả 2 giai đoạn của sứ mệnh Kepler.
Đài quan sát vũ trụ tiếp theo, thay thế Kepler sẽ là Kính viễn vọng không gian TESS. Các chuyên gia cho rằng, kính viễn vọng không gian này sẽ phát hiện được 10.000 ngoại hành tinh.