Phát hiện mặt nạ cổ của “phi hành gia xứ Palenque”

GD&TĐ - Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện chiếc mặt nạ cổ đại của vị vua Kinich Janaab Pakal, còn gọi là “phi hành gia xứ Palenque”. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trên nắp quan tài của ông có hình vẽ một phi hành gia bên trong tàu vũ trụ. Điều này chứng tỏ người Maya cổ đại sở hữu công nghệ cao khác thường. Hiện giờ, tại một trong những ngôi mộ được khai quật chưa lâu, các nhà khảo cổ học tìm thấy một chiếc mặt nạ mang nét mặt vị vua này.  

Phát hiện mặt nạ cổ của “phi hành gia xứ Palenque”

Pakal là vua xứ Palenque của người Maya cổ đại. Triều đại của ông kéo dài tới 68 năm và được xem là thời gian trị vì dài nhất trong lịch sử các nền văn minh cổ đại tại khu vực Bắc Mỹ. Vị vua này nổi tiếng không chỉ do thời gian trị vì dài, mà còn chủ yếu vì các hình khắc trên nắp quan tài của ông. Theo những người ủng hộ thuyết về sự tiếp xúc thời cổ đại với người ngoài hành tinh, thì các dấu hiệu chứa trong hình khắc đó hoàn toàn không giới thiệu lối vào thế giới của những người đã khuất, mà là minh họa thô sơ về một con tàu vũ trụ.

Ngay từ năm 1968, nhà văn - nhà nghiên cứu Erich von Daniken (Thụy Sĩ) đã liên tưởng hình khắc trên nắp mộ Pakal với hình ảnh các phi hành gia bên trong con tàu vũ trụ tham gia chương trình sao Thủy. Nhưng đó không phải là tất cả. Ít người biết rằng họa sĩ chuyên nghiệp người Mỹ Paul Francis, người nổi tiếng với các công trình trong các bộ phim như “Con người tương lai” (1999) hay “Blade: Thợ săn vĩnh cửu II” (2002), đã tạo ra mô hình 3 chiều từ hình khắc trên nắp mộ vua Pakal, giới thiệu một phi hành gia ngồi trong con tàu vũ trụ.

Các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý đến thiết bị dùng để hô hấp, đặt ngay phía trước mặt phi hành gia và được nối bằng một ống mềm với một cái bình có thể chứa oxy. Một thiết bị khác, ở dưới chân phải phi hành gia, trông rất giống chân ga, được sử dụng để tăng/giảm lực đẩy của động cơ tên lửa gắn ở cuối con tàu.

Việc phát hiện ra mặt nạ vua Pakal lại một lần nữa làm dấy lên mối quan tâm về đề tài này. Phát hiện được thực hiện trong quá trình trùng tu, bảo tồn và nghiên cứu khảo cổ học tại khu khai quật Palenque (bang Chiapas, Mexico ngày nay). Ngoài chiếc mặt nạ vua Pakal, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy nhiều vật dụng cho nghi lễ tôn giáo, chẳng hạn như các bức tượng nhỏ bằng gốm, các mảnh đá và xương có khắc họa tiết. Tất cả những đồ vật đó đều được tìm thấy tại khu E - một trong những khu vực của công trình cổ đại này.

Các nhà khảo cổ học lên kế hoạch rà soát kỹ lưỡng hơn đối với các khu B, C, D nhằm tìm kiếm những vật dụng tương tự như trên. Việc phát hiện mặt nạ vua Pakal có ý nghĩa khá thiết thực trong phương diện nghiên cứu văn hóa Maya, bởi vì nó có thể mang đến nhiều thông tin khác thường về chủ đề thiên văn học, toán học...

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ