Thử nghiệm học liệu dạy bằng tiếng Anh: Bắt nhịp xu hướng học tập thế giới

GD&TĐ - Viện Khoa học GDVN phối hợp với Đề án Ngoại ngữ quốc gia nghiên cứu xây dựng thử nghiệm học liệu dạy toán, khoa học với cấp THCS và sinh học với cấp THPT bằng tiếng Anh.

Tiết Toán của Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT
Tiết Toán của Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT

Từ kết quả thử nghiệm học liệu dạy toán, khoa học, sinh học bằng tiếng Anh, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, việc này có thể giúp nền giáo dục Việt Nam tăng khả năng bắt kịp xu hướng học tập của thế giới, tiến tới mục tiêu từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Nâng cao kỹ năng cho thầy - trò

Tham gia nhóm nghiên cứu xây dựng thử nghiệm học liệu dạy toán, khoa học, sinh học bằng tiếng Anh, TS Hà Thị Thúy - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, để tiếp cận, vận dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên học tập kỹ thuật số và tăng tính kết nối toàn cầu, người học cần trang bị trình độ tiếng Anh nhất định. Tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Vì vậy, để thích ứng với bối cảnh tri thức mới, giáo dục cần chuyển mình bằng việc tìm kiếm các phương pháp tiếp cận phù hợp. Qua đó, cả người dạy và học được rèn luyện, nâng cao kỹ năng tiếng Anh, khả năng vận dụng các nền tảng công nghệ và năng lực tự học.

Theo TS Hà Thị Thúy, giảng dạy môn Toán, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh ngày càng phổ biến ở các quốc gia dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Khi được học tiếng Anh trong môn học cụ thể, học sinh được trang bị vốn ngoại ngữ chuyên ngành và tăng khả năng vận dụng tiếng Anh trong lĩnh vực chuyên môn.

Ngoài ra, thành thạo một số ngôn ngữ chuyên ngành giúp người học tăng cơ hội thử sức trong các kỳ thi quốc tế, có nhiều cơ hội học tập ở quốc gia phát triển, tăng khả năng thích nghi và năng lực cạnh tranh nghề nghiệp. Ngoài ra, việc xây dựng nguồn tài nguyên học tập kỹ thuật số để giảng dạy môn Toán, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh cũng góp phần giúp nền giáo dục Việt Nam tăng khả năng bắt kịp xu hướng học tập của thế giới.

Ngoài giúp học sinh thành thạo tiếng Anh, ông Melvyl Lim - Giám đốc cấp cao của Hội đồng khảo thí Cambridge tại Việt Nam nhìn nhận, cần đảm bảo được độ chuyên sâu và hiểu nội dung môn học. Muốn vậy, giáo viên phải hiểu biết sâu sắc về dạy học song ngữ, nắm bắt tâm lý người học và những thách thức, rào cản của họ.

Đồng thời, kiểm tra đầu vào của học sinh, phân hóa trình độ, để thiết kế các chương trình học giúp học sinh vừa nâng cao năng lực ngoại ngữ, nhưng cũng hiểu chuyên sâu về lĩnh vực mà mình quan tâm.

bat-nhip-xu-huong-hoc-tap-the-gioi1.jpg
Học sinh Trường THCS Mỹ An (Mang Thít, Vĩnh Long) học toán bằng tiếng Anh. Ảnh minh họa: Internet.

Lộ trình rõ ràng

Nhấn mạnh tới việc bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, ông Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, cần đưa ra quy chuẩn với mức độ tối thiểu cho giáo viên khi giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh.

Chẳng hạn, nâng cao chất lượng tiếng Anh cho sinh viên sư phạm dạy các môn học chuyên ngành; giảng dạy chương trình song ngữ cho sinh viên sư phạm; phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có khả năng thành thạo tiếng Anh; phối hợp giữa giáo viên chuyên ngành và giáo viên ngôn ngữ để nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Ông Tạ Ngọc Trí cho hay, Quyết định số 1400/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 có đề cập nhiệm vụ: Xây dựng và triển khai các chương trình dạy - học bằng ngoại ngữ (tiếng Anh) cho một số môn: Toán và một số môn phù hợp ở các trường THPT.

Theo đó, việc triển khai môn Toán bằng ngoại ngữ được thực hiện khoảng 30% các trường THPT tại các thành phố, đô thị lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và một số địa bàn trọng điểm khác.

Đến Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác đã mở hơn. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể được dạy và học một phần hoặc hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, ưu tiên đối với các lĩnh vực toán, khoa học tự nhiên, công nghệ và tin học. Sách giáo khoa, tài liệu sử dụng dạy và học bằng tiếng nước ngoài phải được sở GD&ĐT cho phép sử dụng.

Năm 2017, Quyết định số 2080/QĐ-TTg phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025. Nhiệm vụ của đề án là từng bước triển khai dạy học tích hợp ngoại ngữ trong một số môn học khác như: Toán, khoa học, môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ. Ngoài ra, củng cố và phát triển các cơ sở bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, giáo viên, giảng viên dạy các môn khoa học và môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ.

Đề cập đến 3 vấn đề, bà Nguyễn Thị Mai Hữu - Trưởng ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia trao đổi: Thứ nhất, kho tri thức của nhân loại được lưu trữ bằng tiếng Anh. Nếu chúng ta không biết tiếng Anh sẽ trở nên lạc hậu vì không tự tin tiếp cận kho học liệu này.

Thứ hai, công nghệ thông tin phát triển nhanh. Với các phần mềm như trí tuệ nhân tạo AI, ngôn ngữ lập trình là tiếng Anh. Vì thế, nếu không biết tiếng Anh thì việc sử dụng công nghệ sẽ gặp khó khăn. Do vậy, nhu cầu biết và sử dụng tiếng Anh không thể thiếu.

Thứ ba, Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị (Kết luận 91) có đề cập, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. “Cần hiểu rằng, ngôn ngữ thứ hai không chỉ trong giảng dạy, mà được thể hiện trong đời sống, làm việc hằng ngày”, bà Nguyễn Thị Mai Hữu nhấn mạnh.

Tại Kết luận 91 có nêu: Các cấp đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới; tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhìn nhận, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là nhiệm vụ lớn đã được Bộ Chính trị quan tâm. Đây là nhiệm vụ khó khăn với mục tiêu dài hạn. Có nhiều thách thức phải đối mặt như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, điều kiện đảm bảo và đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên, chúng ta đã có lộ trình rõ ràng, bước đầu quốc tế hóa giáo dục ở một số địa phương và nhiều cơ sở giáo dục có điều kiện. Hơn nữa, năng lực tiếng Anh đầu vào của học sinh đã tốt hơn. Cùng đó, năng lực đội ngũ giáo viên cũng tốt hơn, sự hỗ trợ giữa thầy cô với học sinh đa dạng với nhiều bộ tài liệu, cung cấp thông tin. Vì thế, GS.TS Lê Anh Vinh cho rằng, cần có định hướng và sự chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai để từng bước đạt kết quả tích cực.

Vừa qua, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đề án Ngoại ngữ quốc gia nghiên cứu xây dựng thử nghiệm học liệu dạy toán, khoa học với cấp THCS và sinh học với cấp THPT bằng tiếng Anh. Với sự hỗ trợ của công nghệ, những bộ tài liệu số, tài liệu cập nhật trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ thầy, cô giáo thuận lợi hơn khi giảng dạy các môn học này bằng tiếng Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ