Thu ngân sách tăng do nhiều doanh nghiệp mới thành lập

GD&TĐ - Kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2022 dù khó khăn nhưng đã phục hồi nhanh chóng do có nhiều doanh nghiệp mới được thành lập.

Lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành Thừa Thiên - Huế kiểm tra tiến độ một dự án trọng điểm trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành Thừa Thiên - Huế kiểm tra tiến độ một dự án trọng điểm trên địa bàn.

Ngày 9/12, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong năm 2022, tình hình đăng ký doanh nghiệp ở tỉnh có nhiều điểm sáng. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng so với cùng kỳ. Cụ thể tính đến 21/11, đã có 745 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.847,5 tỷ đồng, tăng 35,5% về lượng và tăng 47% về vốn so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 498 doanh nghiệp, tăng 12 doanh nghiệp so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể là 111 doanh nghiệp, tăng 6 doanh nghiệp so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại 441 doanh nghiệp, tăng 98 doanh nghiệp.

Lũy kế cho đến ngày 31/10, trên địa bàn tỉnh có 6.079 doanh nghiệp đang hoạt động.

Về các dự án, tính đến 21/11, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cấp phép cho 28 dự án với vốn đầu tư đăng ký đạt 14.002 tỷ đồng, giảm 1 dự án so với cùng kỳ. Trong đó, có 5 dự án FDI với vốn đăng ký 231,7 triệu USD, tương đương 5.321,5 tỷ đồng, tăng 2 dự án, tăng 40% về vốn so với cùng kỳ; có 23 dự án vốn đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 8.680 tỷ đồng, giảm 3 dự án, giảm 18% về vốn.

Cũng trong năm nay, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Đã có 14/14 chỉ tiêu chủ yếu tỉnh thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Khởi công đê chắn sóng Cảng Chân Mây với tổng mức đầu tư 757 tỷ đồng - một trong những dự án trọng điểm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Khởi công đê chắn sóng Cảng Chân Mây với tổng mức đầu tư 757 tỷ đồng - một trong những dự án trọng điểm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2022 của tỉnh ước đạt 8,56%, vượt kế hoạch (kế hoạch 6,5-7,5%). Trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,02%, khu vực dịch vụ tăng 11,03%, khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,83%. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 65.700 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người ước đạt 56,4 triệu đồng, tương đương 2.405 USD, tăng 10% so cùng kỳ, vượt 50 USD so với kế hoạch. Năng suất lao động ước đạt 116 triệu đồng/lao động, tăng 12% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng ước tăng 3,63% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.701 tỷ đồng, vượt 85,1% dự toán, tăng 12% cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 12.111 tỷ đồng, vượt 89,5% dự toán và tăng 13,9% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 560 tỷ đồng, vượt 21,7% dự toán và giảm 0,9% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.230 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ, đạt 109% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 850 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ và đạt 113% kế hoạch.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc. Trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục hoạt động ổn định, hiệu quả. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,5% so với năm 2021; giá trị sản xuất ước đạt 42.150 tỷ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (thứ 2 từ phải qua) thị sát một nhà máy sản xuất tại tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (thứ 2 từ phải qua) thị sát một nhà máy sản xuất tại tỉnh.

Thương mại, dịch vụ đang phục hồi nhanh nhờ các giải pháp ứng phó dịch Covid-19 phù hợp, hiệu quả. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 52.442 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ, vượt 16,3% so với kế hoạch năm. Đặc biệt, ngành du lịch duy trì với đà phục hồi rất tốt, tổng lượt khách du lịch ước đạt 2,05 triệu lượt khách, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch ước đạt khoảng 4.500 tỷ đồng, vượt 12,5% kế hoạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.