Đây là chuyến tàu container quốc tế đầu tiên đến cảng Chân Mây, chính thức triển khai hoạt động khai thác tàu container, mở ra bước mở đầu quan trọng trong việc khai thác chức năng làm hàng container tại khu bến Chân Mây thuộc cảng biển Thừa Thiên - Huế theo Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cảng Chân Mây là cảng biển nước sâu tự nhiên có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn và còn nhiều tiềm năng để có thể mở rộng, phát triển thành một cảng biển rộng lớn và hiện đại. Cảng đã hội đủ điều kiện để trở thành một Cảng biển nước sâu đầu tiên tiếp nhận và xếp dỡ hàng hóa tàu container nội địa và quốc tế trong khu vực Bắc Trung bộ. Cảng hiện là một khâu quan trọng trong chuỗi dịch vụ Logistics của Miền Trung Việt Nam và hành lang Kinh tế Đông Tây, có vai trò quan trọng như một cửa ngõ chính ra biển Đông cho cả khu vực.
Để khuyến khích các hãng tàu vận tải biển, các đại lý tàu biển đưa tàu vào Cảng Chân Mây tiếp nhận hàng container qua đó tạo được lịch trình định tuyến tàu container vào Cảng Chân Mây giúp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn giảm bớt chi phí vận chuyển, chủ động sản xuất kinh doanh; khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (hệ thống cảng biển, logistics và khu công nghiệp sau cảng), thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng và khu vực Bắc Trung bộ nói chung.
Ngoài ra, thông thương hàng hóa từ Quảng Bình, Quảng Trị, nước bạn Lào và các nước trong khu vực; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng sản xuất kinh doanh; tăng cơ hội xúc tiến kêu gọi đầu tư sản xuất kinh doanh vào các Khu kinh tế, Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Văn Toàn – Tổng Giám đốc Cảng Chân Mây cho biết, cảng hiện đang khai thác 2 bến với tổng chiều dài 760m, đảm bảo an toàn với độ sâu từ -9,4m đến -12,5m, trong đó, bến số 1 là 480m, bến số 2 là 280m.
“Hàng năm, Cảng Chân Mây xếp dỡ khoảng 3,5 triệu tấn hàng rời như than, xi măng clinker, dăm gỗ, cát, bột sắn... Cảng có khả năng tiếp nhận tàu hàng 50.000 DWT; tàu container 35.000 DWT ~ 2.600 TEU; tàu khách đến 362m và 225, 282 GRT và có thể đáp ứng đủ các điều kiện, khả năng làm hàng container, trở thành bến cho tàu du lịch lớn nhất, mới nhất thế giới” - ông Toàn cho biết thêm.
Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh thông tin, tại Kỳ họp chuyên đề đầu tháng 9/2022, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 7/9/2022 về một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế từ đây đến hết năm 2023 sẽ dành ngân sách trên 18 tỷ đồng/năm để hỗ trợ các hãng tàu biển. Cụ thể các hãng vận chuyển container tại cảng với tần suất tối thiểu 2 chuyến/tháng được hỗ trợ 210 triệu đồng/ chuyến. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu hàng hóa container đi và đến cảng được hỗ trợ từ 800 nghìn đồng đến 1,1 triệu đồng/container.
Những hình ảnh do PV ghi nhận vào chiều ngày 9/9 tại Cảng Chân Mây:
|
Cảng Chân Mây đón tàu Deltic Dolphin của hãng tàu Voyager Logistics SDN BHD, Malaysia, xếp dỡ và vận chuyển 120 SOC container hàng hóa tuyến. |
|
Đây là tàu hàng container quốc tế đầu tiên cập Cảng Chân Mây. |
|
Tàu container này đi theo hải trình: Sibu, Malaysia - Cảng Chân Mây, Việt Nam - Pontianak, Indonesia. |
|
Khu vực neo đậu tàu tại cầu Cảng Chân Mây trong ngày 9/9 có thời tiết đẹp, thuận lợi. |
|
Sự mở đầu chuỗi logistic đầy thuận lợi cho tỉnh Thừa Thiên - Huế. |
|
Các kiện hàng hóa chuẩn bị vận chuyển lên cảng. |
|
Nhân viên kỹ thuật Cảng Chân Mây đang móc dây xích vào thùng hàng container đầu tiên. |
|
Nhân viên hoa tiêu của tàu container đứng trên theo dõi và phối hợp cùng nhân viên Cảng Chân Mây. |
|
Chuyến hàng đầu tiên này là của Nhà máy bia Camel Quảng Trị, dự kiến tần suất 2 chuyến/tháng. |
|
Thùng container đầu tiên được cần cẩu cực lớn từ cầu cảng trục xuống chân cầu cảng. |
|
Các nhân viên di chuyển thùng hàng vào vị trí trang trọng. |
|
Các đơn vị tặng hoa thuyền trưởng tàu Voyager Logistics SDN BHD, Malaysia. |
|
Thủy thủ trên tàu xuống Cảng Chân Mây. |
|
Hằng năm, Cảng Chân Mây xếp dỡ khoảng 3,5 triệu tấn hàng rời như than/xi măng clinker/dăm gỗ/cát/bột sắn... Cảng có khả năng tiếp nhận tàu hàng 50.000 DWT, tàu container 35.000 DWT ~ 2.600 TEU và tàu khách đến 362m và 225, 282 GRT. Cảng Chân Mây có thể đáp ứng đủ các điều kiện, khả năng làm hàng container và trở thành bến cho tàu du lịch lớn nhất và mới nhất thế giới. |
|
Những thùng container tiếp theo được cẩu xuống. |
|
Xe cẩu chở hàng của cảng đến vị trí. |
|
Và cẩu những thùng container về vị trí sắp xếp. |
|
Các nhân viên hải quân, bộ đội biên phòng cùng phối hợp kiểm tra các kiện container và các kiện chở hàng. |
|
Mọi việc đều diễn ra theo quy trình nghiêm ngặt. |
|
Nhân viên cấp tập làm việc. |
|
Phút nghỉ ngơi các thủy thủ đoàn. |
|
Chiếc tàu container quốc tế đầu tiên cập Cảng Chân Mây đánh dấu một bước phát triển mới, bước chuyển mình mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng và khu vực Bắc Trung bộ nói chung. |