Môn Toán thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Chiến lược làm bài thông minh

GD&TĐ - Cô Lê Thị Thùy Dương, Giáo viên Toán Hệ thống giáo dục Vinschool, chia sẻ những lưu ý quan trọng giúp các thí sinh Hà Nội vững tâm với môn thi Toán trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Tránh sai sót không đáng có

Theo cô Dương, cấu trúc đề thi vào lớp 10 môn Toán Hà Nội năm 2021 không có nhiều khác biệt so với ma trận đề thi vào 10 của các năm học trước. Vì vậy, các thí sinh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho mình hệ thống kiến thức, kĩ năng làm bài để chinh phục kì thi vào 10 năm nay.

Bên cạnh đó, trong quá trình ôn tập, thí sinh đã được thầy cô giáo dặn dò khá nhiều về các lỗi sai thường gặp. Các em cần luôn ghi nhớ để tránh những lỗi sai không đáng có này.

Bên cạnh đó, khi nhận đề thi, thí sinh thường sẽ tập trung vào làm bài, giải bài tập ngay, mà không có đánh giá, phân loại đề. Đồng thời, với không ít thí sinh, thời gian thi càng lâu, tâm lý lại càng rối, chính vì thế thường thiếu thời gian khi làm bài. các câu làm sau dễ xảy ra sai sót khi tâm lý không vững vàng.

Vậy nên, khi nhận được đề bài, việc đầu tiên cô Thùy Dương lưu ý là thí sinh hãy thật bình tĩnh, hít thở thật sâu để lấy lại tâm thế sẵn sàng. Tiếp theo, đọc kĩ đề bài, phân loại thành các dạng: làm được ngay, cần suy nghĩ thêm, bài tập khó.

Để tránh những sai sót không đáng có, cô Dương cho rằng, trước mỗi bài làm, thí sinh hãy vạch ra cho mình các bước làm đã được thầy cô hướng dẫn, sau đó tiến hành thực hiện từng bước một.

Ví dụ, để giải bài toán bằng cách  lập phương trình, thí sinh gạch ra ngoài giấy nháp các bước làm như sau:

Bước 1: Đặt ẩn;

Bước 2: Điều kiện và đơn vị của ẩn;

Bước 3: Liên hệ ẩn với dữ kiện để lập phương trình;

Bước 4: Giải phương trình;

Bước 5: So sánh với điều kiện của ẩn và kết luận bài toán.

Trình bày xong bước nào, thí sinh hãy đánh dấu các bước đó lại, để chắc chắn rằng đã hoàn thiện bài toán một cách hoàn hảo nhất.

Chiến lược làm bài 4 bước

Cũng theo cô Lê Thị Thùy Dương, trong quá trình làm bài thi, thí sinh cần phải xây dựng cho mình một chiến lược làm bài thông minh. Biết sắp xếp thời gian dành cho các bài, nên làm câu nào trước, câu nào sau.

Từ đó, cô Lê Thị Thùy Dương đưa ra tham khảo chiến lược làm bài để thí sinh tham khảo, như sau:

Bước 1 -  Khởi động: Hoàn thành những bài có thể làm được ngay với tâm thế cẩn thận. Những bài tập trong vòng này thường là: Bài 1, câu a, b; bài 2 - giải bài toán bằng cách lập phương trình; bài 3a - Giải phương trình hoặc hệ phương trình; bài 4a.

Bước 2 – Tăng tốc: Tập trung vào những bài cần suy nghĩ . Các câu trong vòng này thường là: Bài 1c; bài 3b - tìm điều kiện của tham số; bài 4b.

Bước 3 – Vượt chướng ngại vật: Tập trung vào các bài tập khó, cụ thể là: Bài 4c; bài 5. Những câu này số học sinh có thể hoàn thành chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Vì vậy, nếu không thể làm nó thì thí sinh hãy vui vẻ đến với vòng 4.

Bước 4 - Về đích: Với bước này, thí sinh hãy kiểm tra bài làm của mình 1 đến 2 lần. So sánh đối chiếu với các bước làm, kiểm tra xem mình có thiếu bước làm nào không, có thiếu điều kiện không?

“Cô hy vọng, các con biết kiểm soát tốt thời gian, bài làm của mình. Hoàn thiện từng bài theo cách hoàn hảo nhất và có được điểm số tốt nhất” - cô Thùy Dương gửi lời chúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...