Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Không nên “dàn hàng ngang”

GD&TĐ - Hiện có 128 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù đạt được kết quả ấn tượng trong thu hút FDI, nhưng Nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập với sự giúp đỡ của Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, mới đây, đã nhấn mạnh việc Việt Nam “cần có sự thay đổi chiến lược về thể chế chính sách, để nâng cao sức cạnh tranh trong khu vực, đảm bảo duy trì bền vững nguồn vốn FDI đã đăng ký và thực hiện, tăng cường thu hút các dự án FDI có giá trị gia tăng cao hơn nữa”.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Không nên “dàn hàng ngang”

Sẽ lựa chọn lại lĩnh vực tập trung đầu tư

Nêu ý kiến tại Hội thảo “Một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới 2020 - 2030” (tại Hà Nội, ngày 9/7/2018), ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết: Thời gian qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục, tuy nhiên hiệu ứng lan tỏa, cũng như các giá trị gia tăng mà dòng vốn này mang lại còn khá hạn chế.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng: “Cũng cần phải cân nhắc những tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, trong việc thu hút và sử dụng nguồn vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, cần xây dựng những căn cứ để hoạch định chính sách về đầu tư nước ngoài cho giai đoạn phát triển mới, để đảm bảo nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam”.

Đánh giá báo cáo khuyến nghị của IFC, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết: “Trong thời gian vừa qua, để giúp Việt Nam có những cách tiếp cận mới, IFC đã hỗ trợ cho một nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập, nhằm xây dựng được báo cáo một số khuyến nghị về chiến lược thu hút vốn đầu tư thế hệ mới cho Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2030. Bộ KH&ĐT ghi nhận, đánh giá cao giúp đỡ của IFC và đặc biệt là nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập đã xây dựng bản báo cáo khuyến nghị cho Việt Nam”.

Chuyển đổi từ thụ động sang chủ động

Chính đánh giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho thấy “quan ngại nếu Việt Nam mong muốn hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới” - Nhóm chuyên gia nghiên cứu đưa ra khuyến nghị nêu rõ.

Do vậy, theo các chuyên gia, “cần phải tạo ra sự cân bằng giữa thu hút đầu tư định hướng xuất khẩu, tạo nhiều giá trị gia tăng, với việc tiếp tục thu hút FDI trong những ngành thiết yếu như nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, dịch vụ.

Vì nếu tạo ra thêm được nhiều việc làm và tăng cường nâng cao trình độ kỹ thuật cho lao động ở những địa phương kém phát triển của Việt Nam sẽ đem lại những lợi ích to lớn. Hiện đã xuất hiện xu hướng của nhiều nhà đầu tư khi quyết định thiết lập các dự án sử dụng nhiều lao động, như may mặc, các dự án tiền trạm cho BPO ở những khu vực đô thị cấp hai”.

“Trong giai đoạn trước mắt, Việt Nam cần phải nhanh chóng chuyển đổi phương thức xúc tiến đầu tư từ thụ động sang chủ động” - Nhóm chuyên gia nghiên cứu nêu rõ trong khuyến nghị về Chiến lược FDI thế hệ mới của Việt Nam.

8 khuyến nghị được đề xuất để thu hút vốn FDI vào Việt Nam của Nhóm chuyên gia IFC (thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới): Thành lập một “cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới” có đầy đủ chức năng để chỉ đạo thực hiện Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới; Hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư; Thực hiện các chính sách để tăng cường liên kết thượng nguồn từ FDI; Thúc đẩy mạnh nguồn cung kỹ năng; Xây dựng môi trường kinh doanh 4.0; Cải tổ toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành và chuyển hướng sang ưu đãi dựa trên hiệu quả đầu tư; Mở cửa các ngành hỗ trợ đầu tư là nền tảng làm nên năng lực cạnh tranh và tăng trưởng FDI; Giới thiệu chính sách chiến lược về xúc tiến FDI ra nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ