Thủ tướng chỉ đạo: Không tăng giá điện trong năm nay

GD&TĐ - Hôm nay (2/6), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2018. Phát biểu mở đầu phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiều địa phương đã năng nổ, chủ động tìm nguồn lực phát triển với “không khí thi đua trong tăng trưởng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 5/2018. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 5/2018. Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Hầu hết các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều có kết quả tăng so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,6%). Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 11,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt khá, tăng 10,1% so với cùng kỳ, loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 7,5%).

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 93,1 tỷ USD (tăng 15,8% so với cùng kỳ). Cả nước xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD, chiếm gần 3,6% kim ngạch xuất khẩu.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng khá, đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ.

Khách du lịch đạt trên 6,71 triệu lượt khách, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, mặc dù nền kinh tế nhìn chung có dấu hiệu khởi sắc nhưng một số ngành tiếp tục gặp khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây (chủ yếu do tăng giá giao thông 1,72%, dịch vụ ăn uống tăng 0,88%). CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,01%.

Thủ tướng phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018. Ảnh: VGP
 Thủ tướng phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018. Ảnh: VGP

Điểm lại tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng qua, Thủ tướng nhìn nhận có nhiều điểm tiến triển tích cực, đáng mừng.

Các tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế và các ngân hàng thương mại được cải thiện xếp hạng tín nhiệm. Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI của tháng 5 tăng lên 53,9 điểm, cao nhất trong ASEAN. Sản xuất nông nghiệp phát triển tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,7%.

Đánh giá cao nhiều địa phương đã năng nổ, chủ động tìm nguồn lực phát triển, Thủ tướng bày tỏ, “có không khí thi đua để tăng trưởng” của các địa phương.

Sức cầu trong nước cải thiện mạnh mẽ. Tiêu dùng nội địa tích cực, cụ thể là tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2018 tăng 10,1% so với cùng kỳ. Khách du lịch đạt trên 6,71 triệu lượt khách, tăng 27,6%. Xuất khẩu 5 tháng đạt trên 93 tỷ USD, tăng gần 16%. Xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8%. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển tích cực. 5 tháng, có gần 53.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký bổ sung khoảng 1,4 triệu tỷ đồng.

Vui mừng về kết quả đạt được, song Thủ tướng cho rằng nền kinh tế còn nhiều hạn chế, yếu kém, thách thức và yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành báo cáo trực tiếp vào các khó khăn, vướng mắc, yếu kém trong từng lĩnh vực để Chính phủ tập trung thảo luận, thống nhất biện pháp, có đối sách cụ thể, kịp thời hơn.

“Không được chủ quan trong điều hành vì tình hình thế giới biến đổi rất nhanh”, Thủ tướng nói và lưu ý chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước, là mức tăng khá cao (chủ yếu do tăng giá xăng dầu, thịt lợn hơi).

Theo đó, phải tính toán tổng thể các giải pháp để kiểm soát lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đưa ra. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “để lạm phát không quá 4% phải được quán triệt trong điều hành ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương”.

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Tài chính, Bộ Công Thương và một số bộ phát biểu về vấn đề này theo hướng không tăng giá điện trong năm nay, chỉ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục nếu điều kiện cho phép vào thời điểm phù hợp. Cùng với đó, điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn.

Một vấn đề nữa là tình hình giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp (5 tháng mới đạt gần 29% kế hoạch), trong đó, không chỉ các bộ, ngành mà các đầu tàu kinh tế như Hà Nội mới đạt khoảng 30% kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt 15% kế hoạch.

Theo Thủ tướng, đây là một nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí, đội vốn, chậm đưa công trình vào hoạt động, ảnh hưởng đến tăng trưởng. “Có nhiều nguyên nhân, chúng ta cần thảo luận vấn đề này, phải có biện pháp mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nói và cho biết khi đi thị sát một số công trình, thấy có bố trí vốn nhưng giải ngân quá chậm “do cách làm”.

Cùng với giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài bởi kênh FDI cùng với kênh trong nước góp phần quan trọng vào tăng trưởng. “Nguồn lực chúng ta có hạn, cần phải kết hợp nhiều kênh cho phát triển, trong đó có kênh FDI”, Thủ tướng nói. Còn lựa chọn dự án FDI thế nào, mục tiêu, ưu tiên ra sao thì theo Thủ tướng, sắp tới đây sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó đề cập vấn đề này.

Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018. Ảnh:VGP

 Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018.  Ảnh:VGP

Thủ tướng cho rằng, cần đẩy cao hơn chỉ số sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo khi mà sản lượng dầu thô khai thác tiếp tục giảm và một số mặt hàng khác còn tăng thấp.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, còn gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch còn lớn. Tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép, nạn phá rừng còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Về tình hình an toàn xã hội, còn xảy ra một số vụ việc vi phạm, nhất là an toàn giao thông (đặc biệt giao thông đường sắt) và tình hình cháy nổ.

Thủ tướng cũng nhắc đến việc cắt giảm 50% thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh còn chưa triệt để.

“Nhiều Bộ tuyên bố cắt giảm thủ tục nhưng còn hình thức, chưa thực chất, vẫn còn khó khăn cho doanh nghiệp, cho môi trường đầu tư. Nghị quyết 19 đã công bố những chỉ tiêu rất cụ thể nhưng một số cấp, một số ngành chưa quyết liệt. Chúng ta cần thảo luận vấn đề này để tạo môi trường đầu tư tốt hơn, để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và doanh nghiệp của chúng ta thay đổi về chất”, Thủ tướng nói.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ