Thủ đoạn tinh vi của nhóm lừa làm sổ đỏ, bán đất đấu giá ở Nghệ An

GD&TĐ - Lợi dụng lòng tin của người dân, Lê Thanh Hải cấu kết với Lê Kiên Trung (cùng ở Nghệ An) lừa bán đất đấu giá, tách bìa đỏ chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng.

Các bị cáo Lê Thanh Hải (trái), Lê Kiên Trung (giữa) và Trần Diễn Thương tại phiên tòa.
Các bị cáo Lê Thanh Hải (trái), Lê Kiên Trung (giữa) và Trần Diễn Thương tại phiên tòa.

Từ lừa làm sổ đỏ…

Trong giai đoạn năm 2021 - 2022, sau khi dịch bệnh Covid-19 tạm lắng xuống, tình trạng “sốt” đất diễn ra rầm rộ trong cả nước. Lợi dụng nhu cầu và lòng tin của người dân, một số kẻ xấu đã cấu kết, sử dụng các chiêu trò để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Thanh Hải (SN 1983, trú tại phường Trường Thi, TP Vinh) và Lê Kiên Trung (SN 1979, trú tại phường Lê Lợi, TP Vinh) về tội lừa đảo chiếm, đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Trong vụ án này còn có bị cáo Trần Diễn Thương (SN 1976, trú tại xã Nghi Phú, TP Vinh) bị truy tố về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo cáo trạng, do biết Thương có “mối” làm giả các loại giấy tờ nên Hải nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn của người này là nhận làm hồ sơ sang tên bìa đất, tách thửa đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Trong khi đó, Lê Kiên Trung (là anh con bác) từng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, có nhiều mối quan hệ nên Hải bàn bạc và giao nhiệm vụ cho Trung tìm kiếm “khách hàng”.

Để tạo dựng niềm tin và lừa được nhiều người, Trung đánh bóng bản thân có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo, có thể làm bìa đỏ theo yêu cầu. Khi con mồi “cắn câu” Hải nhờ Thương làm các bìa đất giả rồi giao cho Trung để đưa cho các bị hại nhằm chiếm đoạt tiền của họ.

Tháng 1/2021, anh Đào Văn T. (SN 1982, trú tại phường Trung Đô, TP Vinh) mua một thửa đất ở xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Mảnh đất này là đất trồng cây lâu năm, chưa có bìa đỏ nên người đàn ông này nhờ Trung làm thủ tục cấp bìa có đất ở.

Trung “nổ” mình quen biết với nhiều lãnh đạo, có người nhà làm ở Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An nên chắc chắn sẽ làm được. Sau khi tính toán, Trung báo giá làm bìa đỏ có 200m2 đất ở cho anh T. hết 520 triệu đồng.

Nhận được tiền, Trung chuyển hết 520 triệu đồng cho Hải. Sau đó, Hải chuyển cho Thương 70 triệu đồng tiền công bìa đỏ giả, đồng thời chuyển lại cho Trung 40 triệu đồng.

Khoảng 1 tháng sau, Thương và Hải chụp ảnh bìa đỏ cho Trung kiểm tra thì phát hiện chữ ký và con dấu bị lỗi.

Lo sợ bị phát hiện, Trung đề nghị Hải trả lại tiền cho anh T. Tuy nhiên, vì Hải không còn tiền để trả nên Trung đã tắt liên lạc và bỏ trốn vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đến tháng 3/2022, thông qua các mối quan hệ, Hải gặp và nhận làm bìa đỏ cho chị Nguyễn Thị H. (SN 1973, trú tại xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc). Người đàn ông này hứa sẽ chuyển đổi gần 1.300m2 đất trồng cây lâu năm sang 350m2 đất ở và hơn 900m2 đất vườn với giá 600 triệu đồng.

Tin tưởng Hải, chị H. đồng ý chuyển tiền như thỏa thuận. Tuy nhiên, nhận tiền xong Hải không làm bìa đỏ cho khách mà tiêu xài hết.

Ngày 15/6/2022, chị H. biết Hải bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai nên đến Công an tỉnh Nghệ An tố cáo.

Bằng thủ đoạn tương tự, từ tháng 12/2021 - 4/2022, Hải đã thuê Thương làm 6 tài liệu giả là các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa giả) để thực hiện 9 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Số bìa đỏ giả bị cơ quan công an thu giữ.

Số bìa đỏ giả bị cơ quan công an thu giữ.

...đến chiếm đoạt tiền giữ chỗ đấu giá đất

Ngoài 9 phi vụ trên, Lê Thanh Hải và Lê Kiên Trung còn thực hiện 12 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức nhận tiền đặt cọc giữ chỗ đất quy hoạch bán đấu giá.

Cụ thể, cuối tháng 2/2022, Hải lấy được sơ đồ quy hoạch đất bán đấu giá ở xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc nên nhận cọc, hứa đấu giá trúng 100% theo yêu cầu.

Hải giao cho Trung tìm kiếm, giao dịch với khách, ra giá mỗi lô đặt cọc 50 triệu đồng. Khi có nhiều khách đến đặt cọc, 2 người này thống nhất tăng tiền cọc từ 50 triệu đồng lên đến 120 triệu đồng.

Ngày 2/3/2022, anh Nguyễn Thái T. (SN 1985, trú tại xã Nghi Yên) đưa cho Trung 250 triệu đồng nhờ giữ chỗ mua 5 lô đất đấu giá tại xã Nghi Yên.

Vì tin tưởng, ít ngày sau anh T. tiếp tục đến nhà và đưa cho Trung 3 lần, tổng 465 triệu đồng để đặt cọc thêm 6 lô đất khác (tổng cộng 715 triệu đồng/11 lô đất).

Ngày 5/5/2022, anh T. tham gia đấu giá đất tại UBND xã Nghi Yên nhưng không trúng lô đất nào. Quá bực tức, anh T. liên lạc với Trung thì người đàn ông này tìm lý do trì hoãn, sau đó cắt liên lạc. Biết mình bị lừa đảo, không lâu sau anh T. đến cơ quan công an để tố cáo.

Bằng các thủ đoạn trên, Hải và Trung lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại gần 7,3 tỷ đồng. Trong đó, lừa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tách thửa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất là hơn 3,4 tỷ đồng; lừa nhận tiền đặt cọc giữ chỗ đất quy hoạch bán đấu giá gần 3,9 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, đồng thời đưa ra một số tình tiết để xin giảm nhẹ hình phạt.

Hội đồng xét xử nhận định, trong vụ án này bị cáo Hải là người khởi xướng, trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo bằng thủ đoạn tinh vi. Bị cáo có nhân thân xấu khi từng nhiều lần bị xử phạt tù nên cần xử phạt nghiêm minh.

Sau khi nghị án, tòa tuyên phạt Lê Thanh Hải 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 4 năm tù về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tổng hình phạt là 24 năm tù.

Bị cáo Lê Kiên Trung 16 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tổng hình phạt chung là 19 năm tù.

Trong khi đó, bị cáo Trần Diễn Thương lĩnh án 4 năm 6 tháng tù giam về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.