Nusantara, trong tiếng Java có nghĩa là quần đảo Indonesia, được Tổng thống Indonesia Joko Widodo chọn là tên của thủ đô mới nhằm nhấn mạnh phương châm “đoàn kết trong sự đa dạng” của đất nước.
Hồi tháng 6, Tổng thống Joko Widodo đã kêu gọi các nhà đầu tư toàn cầu vào việc xây dựng và phát triển thủ đô mới. Trong đó, ông Widodo đưa ra 300 gói phát triển trị giá 2,6 tỷ USD cho các nhà đầu tư quan tâm vào việc xây dựng thủ đô mới và hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao.
“Tôi đề nghị các bạn đừng chờ đợi quá lâu, đừng chỉ ngồi nhìn. Đây là cơ hội vàng rất hấp dẫn ở Indonesia mà tất cả đều có thể tham gia”, ông Widodo nhấn mạnh.
Nusantara được miêu tả là thành phố thông minh, thay thế thủ đô Jakarta để giảm bớt gánh nặng dân số và giải quyết vấn đề thành phố bị chìm nhanh nhất thế giới do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chính phủ Indonesia sẽ chi 20% tổng chi phí xây dựng thành phố Nusantara, phần còn lại đến từ các nhà đầu tư tư nhân.
Vào tháng 3, Chính phủ Indonesia đã tiết lộ một loạt các ưu đãi mới để cố gắng thu hút đầu tư vào dự án. Các chính sách bao gồm loại bỏ thuế doanh nghiệp đối với các công ty trong một số lĩnh vực đầu tư ít nhất một triệu USD trong 10 - 30 năm. Việc cắt giảm thuế cũng được trao cho các công ty nước ngoài chuyển trụ sở chính đến Nusantara và các công ty tài chính thành lập trong một khu vực chuyên biệt.
Đến nay, dự án thành phố Nusantara đã tiếp cận với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Canada, Đức và Singapore. Tuy nhiên, các khoản đầu tư vào dự án thành phố mới của Indonesia vẫn còn mong manh, chưa nhiều nhà đầu tư lẫn các quốc gia ký kết hợp đồng ràng buộc pháp lý để tài trợ cho dự án.
Đơn cử, năm ngoái, một nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản là Softbank đã rút khỏi dự án, buộc Inodnesia phải tìm nguồn vốn từ nơi khác.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự do dự trên. Đầu tiên, Chính phủ Indonesia không có kinh nghiệm trong việc xây dựng một thành phố từ con số không. Cần lưu ý Nusantara có địa hình đồi núi với nhiều cánh rừng xanh tươi, là khu vực chưa được khai hoang và vẫn còn giữ được độ nguyên sơ. Trong mắt các nhà đầu tư, việc xây dựng một đô thị lớn ở nơi này có nguy cơ thất bại cực kỳ cao.
Các nhà đầu tư cũng lo ngại dự án đầy tham vọng trên sẽ bị đình trệ sau khi nhiệm kỳ tổng thống cuối cùng của ông Widodo kết thúc vào năm 2024, sau cuộc bầu cử vào tháng 2 sắp tới. Tổng thống Widodo đã cố gắng xoa dịu lo ngại này khi nhấn mạnh tại một cuộc họp hồi tháng 6 rằng: “Bất cứ ai lãnh đạo Indonesia sẽ tập trung vào mục tiêu biến đất nước thành ‘người khổng lồ’ của châu Á”.
Tuy nhiên, cần cân nhắc đến yếu tố thứ 3 và cũng là đặc biệt quan trọng với tiềm năng đầu tư nước ngoài. Đó là việc nhiều nước phải đối mặt với suy thoái hoặc đã rơi vào suy thoái do nền kinh tế trì trệ.
Trong vài năm tới, các nước sẽ có khả năng ưu tiên cho chương trình trong nước hơn là đầu tư ra nước ngoài, nhất là cho một quốc gia đang phát triển. Như vậy, giấc mộng “người khổng lồ” châu Á của Indonesia vẫn còn rất mịt mù.