(GD&TĐ) - Mùa hè, teen ở vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long có thú chơi đá cá lia thia rất vui. Để có được “đấu sĩ” cá lia thia như ý không hề dễ chút nào, phải xắn quần lội ruộng cả ngày mới bắt được con cá hay, sau đó là cả quá trình thuần dưỡng, luyện tập mới có thể đem ra đấu cùng các “đấu sĩ” khác.
Một cá lia thia “chiến” được nuôi dưỡng ky |
Săn cá thia lia
Mùa hè ở ĐBSCL thường có những đám mưa nặng hạt, ao hồ, đồng ruộng ngập đầy nước, đó cũng là lúc bọn trẻ í ới gọi nhau đi săn cá lia thia. Cá lia thia là loài cá nhỏ, sống trong các ao tù. Cá trưởng thành cỡ bằng ngón tay, dài từ 4- 5 cm, có màu xanh đen. Vây và kỳ cá lia thia màu sắc sặc sỡ, nhất là khi cá phùng mang, vương kỳ trông rất đẹp. Cá lia thia có đặc tính là rất hiếu chiến và hung dữ, khi gặp đồng loại, nhất là hai con cá trống gặp nhau sẽ quyết chiến đến cùng. Dựa vào đặc điểm này mà từ xưa người ta đem cá lia thia từ ngoài đồng ruộng về nuôi dưỡng và cho cá đá (chọi) với nhau làm thú vui tiêu khiển khi nông nhàn, nhất là bọn trẻ con thì rất mê.
Thời điểm đi săn cá lia thia vào khoảng tháng 6. Sau những trận mưa to kéo dài cả đêm, sáng lại bọn trẻ cầm rổ đi ra đồng, tìm các ao, đìa để bắt. Cá lia thia rất dễ bắt vì nơi cá ở sẽ nhả bọt làm tổ giống như cá sặc, nhưng tổ cá lia thia rất nhỏ chỉ bằng đồng xu, bọt có hình nấm nhô lên khỏi mặt nước, nơi này xem như tổ cá dùng để đẻ và cặp đôi. Khi thấy bọt cá, chỉ cần nhẹ nhàng lại lấy rổ hoặc vợt chận bắt cá là xong. Người ta còn dùng rổ tre chận xuống nước trước rồi lấy chân giậm vào mé bờ cỏ cho cá sợ chạy ra và chui vào rổ. Theo kinh nghiệm, để có được cá lia thia hay phải lặn lội tìm nơi ao tù, chỗ ít người lui tới, đặc biệt là những ao tù nước đen. Cá lia thia bắt được từ những nơi này đen ngòm, săn chắc và rất hiếu chiến vì môi trường sống vốn khắc nghiệt đã “tôi luyện” chúng từ nhỏ đến lớn. Đôi khi cả đám trẻ kéo nhau đi cả ngày ngoài ruộng mà chưa tìm được một con cá lia thia ưng ý. Đi săn cá lia thia rất đơn giản, chỉ đem theo vài chai lọ thủy tinh - thông dụng nhất là dùng keo chao hay chai nước biển qua sử dụng để đựng cá. Khi bắt được cá, bọn trẻ chơi cá lia thia sành điệu thường mang nước từ ao nơi bắt được cá đem về để dùng nuôi cá, sau đó một thời gian thì từ từ pha nước này với nước mưa cho cá quen, vì nếu vừa bắt về cho cá ngay vào nước mưa cá sẽ bị sốc hay bị mất sức. Có đứa kỹ hơn thì dưỡng sức cho cá bằng cách bỏ chúng vào những lu, khạp bị hư hỏng không còn chứa nước dùng được nữa. Trong quá trình thuần dưỡng, để vào vài cây bèo hoa dâu hay lục bình cho cá có chỗ ẩn nấp khi bước sang môi trường sống mới. Thăm chừng hằng ngày, lúc nào thấy cá có dấu hiệu khỏe trở lại thì mới vớt lên cho vào chai, keo để nuôi.
Cho cá đá bóng để lựa chọn vào đội tuyển |
“Tỷ thí”
Để có được con cá lia thia “chiến” đem thi đấu với bạn bè trong xóm, phải bỏ ra khá nhiều công lao. Sau khi thuần dưỡng, sẽ cho mỗi con cá vào keo (chai, lọ) nuôi tách biệt. Keo nuôi cá để thành hàng, ngăn nhau bởi tấm bìa cứng để cá không nhìn thấy nhau. Lâu lâu, bọn trẻ đem hai keo lại gần nhau, rút giấy chận ra, hai con cá nhìn thấy nhau liền phùng mang, sừng kỳ, lao vào tấn công ngay. Bọn trẻ gọi đây là cho cá đá bóng, tuy nhiên chỉ để cá đá bóng một chút thôi nếu để lâu cá lao vào tấn công trúng vào thành keo làm cá bị thương hoặc mòn môi.
Từ cách cho cá đá bóng, sẽ quan sát thật kỹ để biết được con cá nào có thế “võ” hay, nhanh nhẹn, lì đòn, sẽ tuyển ra và đưa vào “đội tuyển”. Từ hàng chục con cá lia thia bắt được, sau quá trình cho thi đấu và lựa chọn được đội tuyển khoảng 3 - 5 con.
Tìm thức ăn cho cá cũng rất công phu, món khoái khẩu của cá lia thia là trùn chỉ, loài trùn sống trong đất mùn, rơm mục hay lá cây mục. Ngoài ra, bọn trẻ còn bắt lăng quăng, nhộng ong tò vò cho cá ăn để bồi dưỡng thể lực thêm “sung mãn”. Ở nông thôn vào mùa mưa, trong những lu chứa nước mưa thường có lăng quăng sinh sống, đây là ấu trùng sinh ra loài muỗi vằn. Bọn trẻ nuôi cá lia thia thường đi tìm hớt lăng quăng cho cá ăn, góp phần làm giảm được muỗi, điều này được người lớn rất ủng hộ.
Hồi hộp xem trận đá |
Đá cá lia thia là trò chơi thật thú vị. Khi đem cá cưng mình ra thi đấu, bên nào cũng muốn phần thắng. Mỗi bên đều có phe cánh theo ủng hộ, cổ vũ, địa điểm thi đấu thường là những bãi đất trống, sân đình hay ngay tại mái hiên nhà của bọn trẻ. Tuy là trò chơi của trẻ con nhưng có luật chơi hẳn hoi, quan trọng nhất là phải chọn cá đồng lứa, đồng cỡ, thậm chí đoạn đường hai bên đem cá đến thi đấu cũng phải bằng nhau, không ai gần hơn hay xa hơn vì sợ có bên mất sức hơn. Lúc cho cá vào chậu để đá, cả hai phải đổ nước ra bớt cũng bằng nhau và cùng trút vào chậu đá một lượt. Bọn trẻ trong quá trình chơi sẽ bầu ra một trọng tài có uy tín và có quá trình chơi cá lia thia lâu năm, được nể phục.
Bản tính hiếu chiến, khi vừa thả cá vào chậu là thia lia lao vào nhau tấn công ngay. Cá phùng mang, giương kỳ và dùng hàm răng sắc bén cắn nhau rất dữ dội với nhiều thế “võ” đẹp mắt như: cắn kỳ, cắn môi, xoay vòng... Cá lia thia hay chỉ cần vài thế là hạ “knock out” đối thủ bằng những nhát cắn chí mạng làm đối phương rách đôi, đứt kỳ hay tróc vảy chảy máu… Cá nào thua là bỏ chạy vòng vòng, cá thắng sẽ rượt đuổi theo một chặp. Khi đó bọn trẻ sẽ dùng vợt làm bằng vải mềm vớt cá ra, bên thắng sẽ reo hò ăn mừng còn bên thua cuộc lặng lẽ đem cá về dưỡng thương chờ cơ hội phục thù.
PV