"Chuẩn bị vào lớp 1 rồi, mình cứ..."học ít thôi, chơi là chính"!
Bức thư mà một ông bố hóm hỉnh gửi cho con gái nhỏ sắp vào lớp 1 của mình đã khiến cư dân mạng không thể không ôm bụng cười.
Nhiều người tỏ ý kiến đồng tình với tư tưởng tiến bộ của ông bố, không ít bậc phụ huynh còn cho rằng "rất chí lí" và sẽ làm theo để cho con một tuổi thơ không quá tải vì chuyện học.
"Thế là, năm nay con gái của bố vào lớp 1. Dù chưa khai giảng chính thức, con đã đi học trước được mấy buổi. Nhìn con với các bạn trong lớp, bố thấy vui.
|
"Cười rụng rốn" với bức thư mà ông bố vui tính gửi con gái chuẩn bị vào lớp một (Ảnh minh họa) |
Con không quá bé, không quá mập, không quá gầy, không quá cao mà cũng không quá thấp. Và đó cũng là mục tiêu mà bố hướng đến cho con khi bắt đầu những năm đèn sách: không quá giỏi mà cũng không quá dốt.
Ở đời, cái gì quá cũng dở, ngay cả Dương… Quá cũng đâu có hay.
Đối với bố, lớp 1 và suốt các năm cấp tiểu học, con đến trường thì học ít thôi, vui chơi là chính. Con không cần phải còng lưng vì đèn sách, phải đặt mục tiêu viết chữ đẹp, phải cộng trừ nhân chia nhoay nhoáy, phải nói tiếng Anh nhanh hơn tiếng Việt.
Mấy ông nhà văn, nhà thơ hay nhà báo như bố, hồi bé đều viết chữ đẹp, lớn lên đa phần nghèo rớt mùng tơi. Mấy ông bác sĩ bạn của bố, chữ xấu như gà bới vẫn giàu nứt đố đổ vách con ạ.
Bố thấy thật buồn cười, khi bố mẹ của các bạn khác đăng ký cho con vào lớp 1, lại dấm dúi cho nhà trường thêm chục triệu bạc, để con mình được xếp vào lớp chọn.
Rồi bố mẹ các bạn ấy, lại dấm dúi cho cô chủ nhiệm, để cho con mình được chú ý hơn. Cứ như thế, cả cuộc đời của bố mẹ cứ dấm dúi theo con. Bố không làm thế đâu. Thề luôn.
|
"Con không cần phải còng lưng vì đèn sách, phải đặt mục tiêu viết chữ đẹp, phải cộng trừ nhân chia nhoay nhoáy, phải nói tiếng Anh nhanh hơn tiếng Việt..." (Ảnh minh họa) |
Này nhé con yêu, hồi bé, bố đâu có được ông bà cho đi học bậc mầm non. Khi vào lớp 1, bố bắt đầu từ hai bàn tay trắng.
Nói như người Huế, không biết một chữ "đui" nào cả. Thế mà, bố từng là học sinh chuyên Văn, trường Quốc Học Huế hẳn hoi.
Năm lớp 9, bố từng là một trong 10 bạn nằm trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi Văn quốc gia của tỉnh.
Nói con đừng buồn, đội tuyển nào bố cũng có mặt, chỉ là chả được cái giải nào cả. Mình thích là mình thi thôi, có giải hay không nó còn… hên xui, con à.
Tuổi thơ của bố là đầu đội trời (đến cái mũ che nắng cũng không có), chân đạp đất, bố vẫn đến hẹn thì lấy bằng, nào tiểu học, nào trung học cơ sở, nào trung học phổ thông cho đến đại học.
Thì con nhìn xem, con hơn bố bao nhiêu, 3 tuổi học mầm non Thiên đường Trẻ thơ, học giỏi quá nên 4 tuổi bị đuổi sang mầm non Sao Việt, lại học xuất sắc quá nên 5 tuổi bị đuổi sang học mầm non Ban Mai, học nhiều mầm như thế mà vào lớp 1 học vẫn í ẹ thì lỗi tại mẹ chứ không phải bố con nhé. Người ta bảo mẹ nào con nấy mà.
Tóm lại con ạ, chuẩn bị vào lớp 1 rồi, mình cứ "học ít thôi, chơi là chính". Phận làm con gái, hơn nhau ở… tấm chồng. Học nhiều, bằng cấp cao, đa phần là gái xấu. Bố thề luôn".
Muốn con học giỏi - Đừng gây áp lực!
Liên hệ với chủ nhân của bức "tâm thư", đó là nhà báo nhà báo Thế Nam, quê ở Thừa Thiên Huế, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội, được biết anh viết bức thư này dành tặng cô con gái nhỏ chuẩn bị vào lớp một trong tháng 9 năm nay.
|
Quan điểm khá thoáng về việc không tạo áp lực học tập cho con của nhà báo Thế Nam được nhiều phụ huynh tán thành (Ảnh minh họa) |
Anh Thế Nam chia sẻ, con gái anh đã đi học được một vài buổi trước ngày khai giảng để làm quen với lớp học, thầy cô và các bạn.
Mặc dù vừa chập chững bước vào năm học đầu đời, nhưng theo lời của ông bố vui tính này chia sẻ thì con gái anh khá mạnh dạn, tự tin và hòa đồng với các bạn ở lớp.
Anh chia sẻ hài hước: "Cháu nó giống bố, đi học thì...chơi là chính. Cháu nhà mình không biết lạ là gì, ai cũng chơi được. Vợ chồng mình cũng không bắt cháu học nhiều đâu nhưng thấy cháu cũng tự đánh vần, đọc chữ được hết".
Hiện nay, khi con nhỏ vào lớp 1, sợ con không bằng bạn bằng bè nên nhiều phụ huynh lo lắng, thậm chí gây áp lực sang con trẻ, bắt con học ngày học đêm khiến nhiều trẻ sợ hãi.
Tâm lý các bậc phụ huynh có con chuẩn bị bước vào năm đầu đời đi học với "nỗi sợ" muôn trùng: Sợ con học dốt, sợ con không theo kịp, sợ con thua kém bạn bè, sợ sau này con không được vào trường chuyên, lớp chọn như đúng khát vọng của cha mẹ...
|
Đừng lấy cái lập luận của cha mẹ để áp vào các con cái khiến trẻ em phải khổ sở "gồng gánh" kiến thức khi còn quá nhỏ (Ảnh minh họa) |
Vì vậy, ngay trước ngưỡng cửa vào lớp 1, nhiều bé đã được cha mẹ chính thức cho "nhập cuộc" bằng hàng loạt những hình thức học thêm đến phờ phạc cả tinh thần lẫn thể trạng.
Do đó, trước quan điểm mới mẻ, tiến bộ và khá thoáng về việc không tạo áp lực học tập cho con nhỏ của nhà báo Thế Nam, nhiều bậc làm cha, làm mẹ tỏ ra rất đồng tình và học theo.
Nếu hạnh phúc là trẻ con được đi học, thì trẻ phải học quá nhiều lại là một điều bất hạnh. Xuất phát từ tâm lý của cha mẹ là: Con tôi mà không đi học thì con tôi dốt hơn con người khác.
Rồi lại sợ rằng con sau này lên cấp 2 không được vào lớp chọn, cấp 3 cũng không được vào trường tốt...nên đã vô tình khiến trẻ cảm thấy nặng nề, quá tải vì bị ép học quá nhiều.
Việc học ấy khiến cho trẻ vô cùng áp lực, học ở trường, học ở nhà đã làm mất đi thời gian vui chơi của trẻ thơ.
|
Nên nhớ rằng, trẻ học tốt nhất là khi được tự do vui chơi (Ảnh minh họa) |
Trước thực trạng áp lực học tập đang tiếp tục bủa vây các bé, các bậc phụ huynh nên nhìn nhận và có một cuộc vận động, thống nhất với nhau: Hãy để cho con em mình học hành một cách nhẹ nhàng.
Cha mẹ hiện nay đang mắc một chứng bệnh là "con nhà người ta", theo đuổi những thứ quá hoàn hảo và rồi đặt lên con mình quá nhiều kỳ vọng.
Chính vì thế, họ bắt con phải học thật nhiều để có thể đạt kết quả cao, dẫn đến áp lực tinh thần, sự mệt mỏi và quá tải cho con cái.
Thay vì bắt buộc, cha mẹ hãy khơi nguồn cảm hứng, động viên tinh thần học tập và cùng trẻ tìm hướng giải quyết cho những vấn đề mà trẻ đang gặp khó khăn.
Và hơn hết, học tập vốn được các cha mẹ xem là điều quan trọng, quyết định tương lai của một đứa trẻ. Thế nhưng đối với trẻ em thì có một thứ khác còn quan trọng hơn cả việc học, thứ mà đứa trẻ nào cũng khao khát có được – đó là tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ.