Thu bảo hiểm y tế ở trường học: Giáo viên chỉ làm vì trách nhiệm

GD&TĐ - Tại Nghệ An, việc thu bảo hiểm y tế (BHYT) HS chủ yếu đang được giao cho các giáo viên chủ nhiệm (GVCN) phụ trách. Mặc dù được trích phần trăm hoa hồng thu hộ nhưng đa số giáo viên đều cho rằng “mất nhiều hơn được” và không muốn nhận làm việc này.

BHYT mang lại nhiều lợi ích, đồng thời cũng là quyền lợi của các em HS.	Ảnh: V.T
BHYT mang lại nhiều lợi ích, đồng thời cũng là quyền lợi của các em HS. Ảnh: V.T

Trăm phương, nghìn cách thu

Cô N.T.K, giáo viên một trường tiểu học tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An cho biết: Ở trường, việc thu BHYT được giao cho GVCN từ nhiều năm nay. Trước kia, đây không phải là khoản thu bắt buộc, việc vận động HS, phụ huynh đóng BHYT gặp nhiều khó khăn. Nhưng nay BHYT đã được quy định là khoản thu bắt buộc nên giáo viên có cơ sở, thuận lợi hơn. Nhận thức của phụ huynh cũng nhiều tiến bộ, quan tâm đến chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con em mình. “Lớp tôi chủ nhiệm HS là con em bà con vùng ven biển còn khó khăn, nhưng tôi vẫn thu BHYT được 100%”.

Dù vậy, cô K. cũng thừa nhận việc thu hộ tiền như thế rất vất vả. “Vì trách nhiệm với HS và được nhà trường giao mới phải làm, chứ giáo viên chúng tôi không ai muốn thu tiền HS cả, kể cả được BHXH trích hoa hồng. Các em nộp lẻ tẻ, giáo viên chủ nhiệm phải gọi điện thường xuyên để nhắc phụ huynh nộp tiền đúng thời hạn để bảo hiểm được liên tục. Bản thân cô giáo cũng ngại, mà nhiều khi phụ huynh không thích vì cứ thấy cô giáo gọi là… hỏi tiền”.

Để thu BHYT, các nhà trường và giáo viên đã phải nghĩ đủ trăm phương nghìn cách, từ trực tiếp nhắc HS, đến họp phụ huynh. “Để tiện cho phụ huynh và cho cả cô, thì đầu năm khi nhận thu các khoản khác, tôi cộng luôn cả tiền BHYT vào để thu một lúc. Làm như vậy đỡ việc HS nộp rải rác. Nhưng cũng có cái khó với những gia đình có đông con trong độ tuổi đi học, vì phải nộp một lúc số tiền khá lớn”, cô Nguyễn Thị H. (GV THCS tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) chia sẻ.

Trên thực tế công việc của GVCN rất nhiều, ngoài đảm bảo chuyên môn dạy học, còn phụ trách, quản lý tình hình học tập, rèn luyện của từng HS trong lớp. Trong khi đó, không chỉ thu BHYT, giáo viên chủ nhiệm còn phải gánh trách nhiệm đứng ra thu nhiều khoản khác như: Học phí, xã hội hóa, tiền bán trú buổi trưa… Chưa kể việc thu tiền này còn đưa vào trong những tiêu chí để đánh giá, thi đua hàng năm.

Cô Trần Thị Đa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An cũng thừa nhận việc thu tiền BHYT hiện nay của nhà trường vẫn phải giao cho GVCN. Vì các thầy cô là người sát sao thường xuyên nhất với HS, phụ huynh, đặc biệt là đối với bậc tiểu học, dù hiểu “các thầy cô không muốn như vậy”. Trường được Phòng GD&ĐT huyện giao chỉ tiêu, sau đó lại giao chỉ tiêu xuống cho giáo viên chủ nhiệm. Dù vậy, theo cô Trần Thị Đa, nhà trường cũng không gây áp lực cho giáo viên mà chỉ khuyến khích, động viên vì biết địa bàn xã đặc thù, khó đạt 100% như chỉ tiêu được giao. Như năm 2019 này, tỷ lệ HS nhà trường đóng BHYT đạt khoảng 80%, đây là con số mà nhà trường, cán bộ giáo viên đã rất cố gắng rồi.

Nên cử người chịu trách nhiệm

Năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh Nghệ An có 534.300 HSSV tham gia BHYT, đạt tỉ lệ 95,49%. Năm học này, nhằm đạt mục tiêu 100% HS, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT, Sở GD&ĐT Nghệ An ra nhiều văn bản đôn đốc thực hiện; Đồng thời Liên ngành GD-ĐT- Bảo hiểm xã hội - Tỉnh đoàn Nghệ An cũng ban hành Công văn số 1532 hướng dẫn thực hiện BHYT HSSV năm học 2018 - 2019. Trong đó, Sở GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, quán triệt các đơn vị trực thuộc Sở đưa khoản thu BHYT HSSV vào các khoản thu bắt buộc (Luật BHYT) của nhà trường vào đầu năm học. Giao chỉ tiêu HSSV tham gia BHYT cho các đơn vị trực thuộc Sở; Đưa tiêu chí HSSV tham gia BHYT vào nội dung xem xét công nhận các danh hiệu thi đua, đánh giá xếp loại cuối năm học (ví dụ như khen thưởng về chuyên đề BHYT HSSV).

Hướng dẫn liên ngành cũng nêu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các ban, ngành liên quan cũng như mức thu, trích phần trăm kinh phí BHYT lại cho đơn vị giáo dục. Trong đó “các trường học được nhận khoản kinh phí tính bằng 3% trên tổng số tiền BHYT thực thu từ HSSV để chi hỗ trợ cho những người thực hiện công tác thu, phát thẻ BHYT HSSV tại đơn vị (theo Quyết định số 236/QĐ-BHXH ngày 19/2/2016 của BHXH Việt Nam)”.

Tuy nhiên, 3% này là cho cả nhà trường, bao gồm kinh phí tổ chức cuộc họp, ra thông báo, in tài liệu, in mẫu khai, văn bản hướng dẫn tới các bậc phụ huynh, văn phòng phẩm liên quan… Số tiền thù lao còn lại đến tay giáo viên “không đáng là bao so với công sức mà giáo viên bỏ ra”. Cô N.T.K (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) cho biết: “Ví dụ như lớp tôi chủ nhiệm, trừ HS hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách… thì có gần 30 em nộp bảo hiểm. Số tiền thù lao cho cô chủ nhiệm là khoảng 250.000 đồng, may ra đủ chi phí đi lại, gọi điện thoại”.

Nỗ lực phủ kín BHYT HS là điều tốt và nhân văn. Song mong muốn của nhiều giáo viên là được chuyên tâm làm công tác dạy học, chủ nhiệm, không phải gánh trách nhiệm, công việc không thuộc chuyên môn của mình. Hiện, một số trường trên địa bàn tỉnh cũng đã giao việc thu tiền BHYT cho thủ quỹ, hoặc một nhân viên phụ trách khác. Trước đó, Trường THCS Trà Lân (huyện Con Cuông, Nghệ An) cũng giao cho các giáo viên chủ nhiệm thu khoản tiền BHYT.

Nhưng việc thu hộ này không được giáo viên đồng tình. Trường THCS Trà Lân cũng là trường chất lượng cao của huyện Con Cuông, nhiệm vụ chuyên môn, nền nếp của giáo viên đã rất lớn.

“Nhằm giảm áp lực cho giáo viên chủ nhiệm, những năm gần đây, trường quyết định giao cho thủ quỹ là người thu tiền BHYT của HS, các thầy cô không phải thu nữa”, cô Nguyễn Thị Bích Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Trà Lân, Con Cuông, Nghệ An cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ