Mới đây, Bệnh viện TP Quảng Ngãi chuẩn bị xóa sổ để sáp nhập vào Bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi khiến hàng chục nghìn người có thẻ bảo hiểm y tế của thành phố này chuẩn bị phải lặn lội qua bên kia sông Trà để khám tại Bệnh viện huyện Sơn Tịnh. Cơ sở cũ của Bệnh viện TP Quảng Ngãi, nghe phong thanh là sẽ được xã hội hóa, giao cho một doanh nghiệp tư nhân nào đó sử dụng. Đúng ngày việc sáp nhập trên có hiệu lực (1/1/2019), rất nhiều người dân TP Quảng Ngãi đã kéo đến bệnh viện này để phản đối. Trước sức ép của dư luận và truyền thông, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã buộc phải phát công văn hỏa tốc “tạm hoãn sáp nhập”!
Tương tự, dưới chiêu bài trên, Trường Đại học Phạm Văn Đồng cũng được UBND tỉnh Quảng Ngãi bật đèn xanh cho một doanh nghiệp tư nhân làm đề án “xã hội hóa”. Điều đáng ngạc nhiên là, đề án xã hội hóa Trường Phạm Văn Đồng do một “ban nghiên cứu” soạn thảo nhưng không có một thành viên nào trong ban ấy là người của Trường Phạm Văn Đồng cả. Việc ban lãnh đạo của Trường Phạm Văn Đồng bị cho ra rìa như thế khiến dư luận ở Quảng Ngãi đặt dấu hỏi: Xã hội hóa hay là chiếm đất của trường để dùng vào mục đích khác?
Một đại gia bất động sản đang triển khai đề án “thành phố giáo dục” ngay sát cạnh Trường Phạm Văn Đồng, là doanh nghiệp được tỉnh Quảng Ngãi giao cho việc xã hội hóa này. Cũng cần nói thêm về doanh nghiệp này. Năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp cho doanh nghiệp này 10 hecta “đất vàng” ngay giữa lòng thành phố, cách Trường Phạm Văn Đồng một con đường. Doanh nghiệp đang “hiện thực hóa” giấc mơ biến tỉnh Quảng Ngãi thành địa phương đầu tiên có “thành phố giáo dục”. Theo đó, đầu vào của cơ sở giáo dục này là trẻ mầm non và đầu ra sẽ là tiến sĩ. Họ gấp rút xây dựng cơ sở giáo dục ấy để năm 2019 này có thể tuyển sinh lứa đầu tiên.
Vì vậy, giao cho doanh nghiệp trên làm đề án xã hội hóa Trường Phạm Văn Đồng không khác gì “giao trứng cho ác”. Việc thôn tính 30 hecta của Trường Phạm Văn Đồng chỉ còn là vấn đề thời gian nếu tỉnh Quảng Ngãi vẫn quyết tâm “xã hội hóa” như đề án mà tỉnh này đưa ra.
Không ai chê trách hoặc phản đối gì việc “xã hội hóa” cả, nhất là thời điểm ngân sách Nhà nước eo hẹp như hiện nay nhưng lợi dụng xã hội hóa để phù phép đất công thành đất tư và dùng vào mục đích khác là không thể chấp nhận được dù được núp dưới bất cứ mỹ từ gì.