Thông tư 27 đi vào thực tế: Gieo niềm tin bằng những nhận xét tích cực

GD&TĐ - Các trường Tiểu học đã hoàn thành học kỳ I với việc đánh giá HS theo hướng dẫn của Thông tư 27. Trong đó, các thầy cô giáo từng bước cập nhật và triển khai bảo đảm yêu cầu đặt ra…

Trường Tiểu học Đông Thái trao học bổng thắp sáng ước mơ cho những HS có cố gắng trong học tập trong từng tháng.
Trường Tiểu học Đông Thái trao học bổng thắp sáng ước mơ cho những HS có cố gắng trong học tập trong từng tháng.

Để nắm bắt được tinh thần của Thông tư 27, nhiều đơn vị giáo dục đã tổ chức các lớp tập huấn dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) lớp 1. 

Đánh giá để phát triển người học

Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm đã tổ chức tập huấn đến Ban Giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn và toàn thể giáo viên khối lớp 1, khối trưởng các khối của 13 trường tiểu học trên địa bàn quận.

Cô Vũ Hồng Hạnh- GV Trường Tiểu học Trưng Vương cho biết, Thông tư 27 quy định rõ thời điểm đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục vào giữa và cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học. Giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá HS đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành. Điều này giúp GV định lượng rõ ràng hơn kết quả học tập, rèn luyện của HS.

Cô và trò Trường TH Trưng Vương bắt nhịp chương trình lớp 1 mới.
Cô và trò Trường TH Trưng Vương bắt nhịp chương trình lớp 1 mới.

Theo cô Hạnh, đánh giá là một bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy học, được diễn ra trong suốt quá trình dạy học, giúp HS nhận ra mình đang ở đâu trên con đường đạt đến mục tiêu bài học và yêu cầu cần đạt; giúp GV kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy học cũng như giúp HS điều chỉnh phương pháp học.

Thông tư 27 giúp GV nắm chắc mục đích, đặc điểm, sự khác biệt giữa đánh giá thường xuyên với đánh giá định kì. Với triết lý đánh giá để phát triển người học, vì người học thì đánh giá thường xuyên có tác dụng tốt hơn. Bên cạnh đó, với sự tiến bộ qua 1 học kỳ của HS lớp 1 học theo chương trình, SGK mới, GV đã chú ý hơn việc đưa ra những lời nhận xét tích cực nhằm giúp các em tạo dựng niềm tin, hứng thú trong học tập.

Cô Hạnh cho rằng, HS tiểu học chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những lời nhận xét trực tiếp của giáo viên. Vì vậy, ngoài việc đánh giá thường xuyên thì đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ, GV cũng cần cân nhắc để có những nhận xét, đánh giá phù hợp, thỏa đáng.

Đánh giá kết hợp khen thưởng, động viên

Việc đánh giá thường xuyên được GV lớp 1 Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ) thực hiện nghiêm túc và sáng tạo.

Theo cô Phan Thiên Hương-Tổ trưởng khối 1, GVCN lớp 1A8, HS tiểu học đều có thể thành công nếu GV luôn tin và gieo niềm tin ấy bằng những lời nhận xét tích cực, trực tiếp thông qua đánh giá thường xuyên mỗi ngày. Với HS lớp 1 học theo chương trình, SGK mới, GV chú trọng đánh giá thường xuyên để các em biết được sức học của mình, khả năng tiếp thu kiến thức theo chương trình mới, đồng thời để PHHS cũng biết được trình độ của con, từ đó yên tâm phối hợp với GV kèm cặp thêm cho con.

Cô Hương cho biết thêm: Đánh giá theo Thông tư 27 giúp đảm bảo mức độ công bằng đến từng HS. Vì, ở đây đề cao việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không đặt nặng điểm số. GV có thể linh hoạt sử dụng các phương pháp để giúp HS nhận ra lỗi sai và sửa chữa.

Thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 27, cô Hương và các giáo viên trong khối 1 đã đánh giá HS định kì theo 3 mức độ, bảo đảm không khen tràn lan mà khen đúng thực chất những HS xuất sắc. GV dựa vào 3 năng lực cốt lõi, 5 năng lực đặc thù, 5 phẩm chất để dạy học đảm bảo HS được phát triển toàn diện, qua đó việc đánh giá cũng khách quan, chính xác hơn.

Bên cạnh đánh giá theo nhận xét, để khích lệ, động viên HS, Trường Tiểu học Đông Thái còn áp dụng hình thức trao học bổng thắp sáng ước mơ cho những HS có cố gắng trong học tập trong từng tháng. PHHS đã làm quen với các hình thức đánh giá bằng nhận xét của cô giáo kèm các biểu tượng ngộ nghĩnh như hình bông hoa, mặt cười vào mỗi bài học của con, chứ không còn nặng nề, áp lực khi cô chấm điểm như trước đây…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.