Không sử dụng điểm số để đánh giá thường xuyên

GD&TĐ - Ông Bùi Đức Cường - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên - cho biết: Sở đã có hướng dẫn cụ thể đối với quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học.

Không sử dụng điểm số để đánh giá thường xuyên

Theo đó, việc đánh giá học sinh tiểu học bao gồm các hoạt động: Quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn động viên học sinh; giải quyết khó khăn trong học tập;

100% học sinh phải được đánh giá nhận xét thường xuyên

Nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh.

Về đánh giá thường xuyên, Sở đã lưu ý giáo viên quan sát, theo dõi một số đối tượng trong lớp để tập trung nhận xét.

Thời gian đầu, mỗi tiết học nhận xét một vài học sinh. Sau đó, tăng dần số lượng học sinh được nhận xét. Nội dung nhận xét cần cụ thể, tỉ mỉ, chi tiết.

Tuỳ thuộc vào thực tế từng lớp và năng lực của giáo viên mà xác định số lượng học sinh được nhận xét.

Các đơn vị không được thống nhất số lượng cụ thể học sinh được nhận xét ở tất cả các lớp. Nguyên tắc là 100% học sinh phải được đánh giá nhận xét thường xuyên.

Hai hình thức nhận xét

Có hai hình thức nhận xét là nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh và viết nhận xét vào phiếu, bài kiểm tra, vở của học sinh.

Tuỳ theo sự tiếp thu của học sinh mà giáo viên quyết định viết nhận xét vào phiếu, bài kiểm tra, vở của học sinh hay chỉ nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh.

Không nhất thiết tiết dạy nào cũng viết nhận xét vào phiếu, bài kiểm tra, vở của học sinh.

Nhận xét từng thời điểm, Sở yêu cầu cần chú ý: Hàng ngày, giáo viên căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học, hoạt động giáo dục để nhận xét. Đồng thời, có biện pháp cụ thể để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ học sinh khắc phục những thiếu sót, giúp học sinh tiến bộ, vượt qua khó khăn.

Do năng lực của học sinh không đồng đều nên có thể chấp nhận sự khác nhau về thời gian, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của học sinh. Khi nhận xét, có thể nhận xét bằng lời nói trực tiếp hay viết nhận xét vào phiếu, bài kiểm tra, vở của học sinh.

Hàng tuần, giáo viên lưu ý đến những học sinh có nhiệm vụ chưa hoàn thành để giúp đỡ học sinh biết cách hoàn thành kịp thời.

Hàng tháng, giáo viên ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn học, hoạt động giáo dục khác; dự kiến và áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời đối với những học sinh chưa hoàn thành.

Khi nhận xét, giáo viên cần đặc biệt quan tâm động viên, khích lệ, biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ để giúp học sinh tự tin vươn lên; khen ngợi học sinh làm tốt, động viên học sinh làm chưa tốt, nêu rõ điểm đáng khen và chỉ rõ điểm cần khắc phục, nêu rõ biện pháp hỗ trợ, giúp học sinh rèn luyện…

Đặc biệt lưu ý, không sử dụng điểm số để đánh giá thường xuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ