Trả lời câu hỏi của bạn đọc: “Khi đứng trước 2 thông tin, một bên là tích cực, một bên là tiêu cực các anh sẽ chọn thông tin nào để viết bài?”, nhà báo Lê Đông Hà chia sẻ: Trong giao tiếp nói chung và báo chí nói riêng, tính chân thực bao giờ cũng được tôn trọng. Chúng tôi rất muốn "chạm" vào những nơi gian khó, và muốn giao tiếp với nhân vật thật lâu để hiểu hơn về cuộc sống của nhân vật.
“Tôi nghĩ, bạn không nên e ngại khi tiếp xúc với báo chí. Chúng tôi còn biên tập, hơn nữa từ văn nói đến văn viết khác. Chúng tôi sẽ bám sát ý của nhân vật ở mức độ cao nhất” – Nhà báo Lê Đông Hà nói, đồng thời cho biết: Giữa thông tin tiêu cực và tích cực, báo chí có trách nhiệm phản ánh khách quan cả về tích cực cũng như tiêu cực. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cân nhắc để phản ánh một cách chân thực nhất.
Tất cả đều vì đại cục. Người viết báo không bị cuốn theo những chi tiết "tiểu tiết tiêu cực" mà phá đi cái tốt đẹp của đại cục. Thông tin phải mang tính xây dựng nhằm giúp cuộc sống tốt đẹp hơn!
Trước những thông tin đa chiều trên mạng xã hội về giáo dục, nhà báo Lê Đông Hà cho rằng, mạng xã hội là kênh thông tin rất "hót" ở thời điểm hiện tại. Thực tế có nhiều nhà báo khai thác từ kênh này.
Tuy nhiên theo chúng tôi, thông tin trên mạng xã hội khó kiểm chứng. Trong khi đó thông tin báo chí phải bám sát bản chất của sự việc. Một người phản ánh không thể nói hết bản chất. Do đó cần phải nghe "2 tai".
“Chính vì thế, thông tin từ mạng xã hội chỉ mang tính tham khảo đối với chúng tôi. Thực tế có rất nhiều bài viết chúng tôi phải đi kiểm chứng thông tin. Trong quá trình kiểm chứng có nhiều điều thú vị như: Người tố khổ đôi khi là thủ phạm chứ không phải nạn nhân” - nhà báo Lê Đông Hà chia sẻ.
Nhà báo Lê Đông Hà cũng “bật mí” về cách ứng xử đối với bạn đọc là giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thường bị một số phóng viên đến làm phiền và có thái độ hạch sách. Theo nhà báo, trong trường hợp này, các nhà giáo nên căn cứ vào chức trách nhiệm vụ của mình để tiếp khách. Mặt khác, cần bám sát theo quy chế phát ngôn đối với cơ quan, tổ chức khi thấy bị làm phiền.
"Có thể nói, Giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục năm 2018 là một sân chơi ý nghĩa dành cho các nhà báo chúng tôi. Đó là động lực giúp chúng tôi thêm yêu nghề và có nhiều bài viết hơn nữa để góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục đến với độc giả. Vì ý nghĩa đó của giải nên chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia Giải báo chí này"-Nhà báo Lê Đông Hà.