Thông quan Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau 3 năm tạm dừng do dịch Covid-19, cặp Cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thuỷ Hà (Trung Quốc) đã khôi phục hoạt động xuất, nhập cảnh.

Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng chính thức thông quan từ ngày 20/2.
Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng chính thức thông quan từ ngày 20/2.

Ngày 20/2, tại Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, chính quyền huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) phối hợp với Ban Quản lý Cửa khẩu Kim Thuỷ Hà, huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) và các cơ quan liên quan tại cửa khẩu đã tổ chức khôi phục toàn diện hoạt động xuất, nhập cảnh, thông quan hàng hóa.

Đúng 7 giờ 50 phút, Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng chính thức mở cửa phục vụ các hoạt động xuất, nhập cảnh, thông quan hàng hóa sang huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và ngược lại. Qua đó, khôi phục toàn diện hoạt động xuất, nhập cảnh và thông quan hàng hóa giúp người dân 2 nước thăm thân, trao đổi buôn bán hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chị Tẩn Thị Thuỷ, bản Sơn Bình, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ chia sẻ: "Sau hơn 3 năm đóng cửa, hôm nay tôi mới được sang bên nước bạn. Tôi rất hồi hộp và vui bởi mục đích của mình sang biên giới là để buôn bán các mặt hàng thổ cẩm. Từ khi đóng cửa khẩu mọi thứ đều khó khăn, hàng hoá không xuất bán được. Nay mở cửa trở lại, người dân trong xã rất vui vì thuận lợi xuất bán các mặt hàng nông sản."

Cán bộ Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng làm thủ tục xuất cảnh cho người dân Việt Nam sang Trung Quốc.
Cán bộ Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng làm thủ tục xuất cảnh cho người dân Việt Nam sang Trung Quốc.

Ông Trần Văn Trung, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Xuân Tính ở xã Ma Ly Pho cho biết, công ty chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng nông sản như: đậu, đỗ xanh, tiêu. Mấy năm trước việc xuất khẩu hàng hoá gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19. Nay cửa khẩu mở trở lại giúp doanh nghiệp và nhân dân thuận lợi xuất bán hàng hoá.

Công dân Trần Trung Minh ở trấn Kim Thuỷ Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cho rằng, việc mở cửa trở lại giúp cho ông có cơ hội sang thăm thân bởi 3 năm chưa được qua biên giới. Đây cũng là dịp để ông sang thăm quan, giao lưu với bà con ở Việt Nam.

Theo ông Vũ Huy Hòa, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, vừa qua, phía Châu Hồng Hà và huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã có công hàm thông báo hủy bỏ tất cả các biện pháp kiểm tra Covid-19 đối với hàng hóa và khôi phục toàn diện việc xuất nhập cảnh cho công dân qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà từ ngày 20/2.

Đồng thời, UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo dừng thực hiện phương án “Thiết lập vùng xanh an toàn với dịch bệnh Covid-19 trong xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Ma Lù Thàng".

"Việc khôi phục toàn diện xuất nhập cảnh và thông quan hàng hóa có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy hợp tác, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế biên mậu, văn hóa, du lịch... đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai bên", ông Vũ Huy Hòa cho biết thêm.

Công dân đầu tiên của Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng.

Công dân đầu tiên của Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng.

Từ ngày 20/2, Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng sẽ mở cửa từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày. Ban quản lý Khu Kinh tế và lực lượng chức năng tại cửa khẩu sẽ phối hợp tốt với phía bạn đẩy mạnh cải cách hành chính, kịp thời hỗ trợ, giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.

Theo thống kê từ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lai Châu, trong buổi sáng đầu tiên khôi phục toàn diện các hoạt động xuất, nhập cảnh, lực lượng chức năng đã làm thủ tục xuất cảnh cho 100 công dân của Việt Nam sang Trung Quốc và làm thủ tục nhập cảnh cho 100 công dân Trung Quốc vào Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mỹ cần chặng đường dài để tạo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hạt nhân, thoát phụ thuộc uranium Nga.

Mỹ bắt đầu thoát uranium Nga

GD&TĐ - Mỹ còn một chặng đường dài để thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn cung cấp uranium Nga, tiến tới đảm bảo an ninh năng lượng Mỹ.